Ai phải? Ai trái? Cái cuộc chia rẽ trong làng b… mà tôi ngẫu nhiên được
mục kích đây thực là một vấn đề… xã hội rất quan trọng vậy.
Tình đồng đạo của “Tham Ngọc” với ấm B… không bởi lẽ “Tham
Ngọc” đi ăn mảnh mà bị thương tổn được, vì nếu ông ấm tự coi là thầy
“Tham Ngọc” thì bổn phận của một ông thầy đối với học trò là phải tìm
cách cho học trò được tự lập nếu học trò mình đến lúc đủ tư cách dọn hàng
riêng. Vậy “Tham Ngọc” đã đủ tư cách “dọn hàng riêng” chưa?
Những cuộc săn mòng bên Bắc Ninh đã đủ đáp lời cho câu hỏi đó.
Không cho học trò tự lập, ông ấm đã lỗi đạo làm thầy.
Những lí luận cãi cho “Tham Ngọc” này, khốn thay, lại bị một lí mạnh
hơn, cứng hơn, là nghề b… không phải là nghề đạo lí, mà làng bịp xử lí với
nhau cũng chẳng có tình nghĩa gì. Dám hoặc có khi họ cũng thuỷ chung với
nhau, trong mọi cuộc săn mòng, nhưng đó chỉ là cái nhân nghĩa quân đạo
tặc mà thôi! Cho nên trái lại, chính “Tham Ngọc” là lỗi đạo. Đã thế thì: nếu
đi ăn mảnh, anh không có quyền lấy tên thầy đến xoay tiền người ta.
Nhưng ta hãy yên, nghe “Tham Ngọc” trần tình:
- Cái lần tôi vay đằng Cả Ủn bốn chục, tôi xin nhận lỗi là đã mạn phép
cụ, nhưng không phải vay tiền để đi ăn mảnh như cụ tưởng mà để tiêu vào
một việc quan hệ tới… gia đình, để tiêu riêng. Tuy mạn phép cụ, tôi cũng
trả hết người ta chứ không hề để liên luỵ cho cụ…
- Ông bảo ông đã tiêu vào việc gia đình?
- Phải.
- Thôi đi, tôi không phải là thằng ngốc. Nếu chính mắt tôi không trông
thấy việc ông tiêu thì đã có nhiều người khác trông hộ tôi. Nếu chính tai tôi
không nghe thấy thì cũng có vô số người nghe hộ… Nói dối tôi không
được, ông nghe ra chưa?
- Nếu thế thì thôi, tôi không biết nói thế nào nữa…
- Ông nói thế nào? Ông nói thế nào? Số bốn chục ấy, nếu không để làm
vốn đi ăn mảnh thì cũng để trả tiền môn bài cho cái sòng ở chợ Chu, ông
nghe ra chưa? Tưởng người ta không biết đấy!