tôi mượn nghe! - Rồi lẩm bẩm - Sao lúc nãy mình lại quên tìm vậy ta!
Trúc Anh bật cười trước vẻ thích thú ngộ nghĩnh của Như, cậu nói:
- Hay là Như lấy đọc trước đi, rồi đưa lại cho Trúc Anh. Nè, cầm lấy đi!
- Không được… - Như kéo dài giọng ra vẻ phật ý rồi rút lấy một cuốn sách
trong chồng sách đã mượn, đưa cho Trúc Anh – Chúng ta trao đổi vậy. Bạn
cầm đi. Ráng đọc nghe!
Trúc Anh cầm lấy quyển sách, mắt mở to kinh ngạc: “Văn học phương
Tây”. Cậu muốn giơ hai tay lên kêu trời. Như đưa được Trúc Anh vào bẫy,
tiếp tục bồi thêm:
- Cho bỏ tật nói “văn chương chán ngắt”! Bạn ráng đọc đi, thay đổi khẩu
vị, hổng chừng lại thấy… “ngon”. Đọc sách khoa học hoài, dễ “khô” người
lắm đó, biết chưa “cậu em”?
Trên đường về, Như hỏi Trúc Anh nhiều điều về Thuyên, về những người
bạn trong trường. Như nói nhiều, cười nhiều, khác hẳn với những lần Trúc
Anh đã gặp trước đây. Nhiều lần Trúc Anh định hỏi xem tại sao lần ấy ở
câu lạc bộ Như lại khóc, nhưng rồi thấy không tiện nên đành thôi. Như hỏi
Trúc Anh định thi vào đại học gì, và Như nói Như mơ ước trở thành một
phóng viên báo chí thực thụ, viết những điều mà người đọc sẽ không quên
ngay như những bài báo thông thường khác. Đối với Như, báo chí không
chỉ là thông tin đại chúng quan trọng nhất mà còn là nơi để con người tự
nhận ra mình, thông qua hình ảnh của người khác. Nó giúp con người khao
khát vươn tới những thành công mà người khác có, hay sợ hãi những điều
xấu mà người khác vấp phải. Phóng viên lại được đi nhiều nơi, trải nghiệm
cuộc sống, Như thích như vậy hơn là ngồi một chỗ tại văn phòng nào đó,
cứng nhắc, mệt mỏi. Nhưng dù cho có bay nhảy thế nào, Như vẫn mong
muốn mình sẽ có một ngôi nhà, với ba mẹ, một chỗ ở ổn định, vì Như đã
quá mệt mỏi phải dời từ nơi này đến nơi khác, từ ngôi nhà này đến ngôi nhà
khác lắm rồi.
Đã từ lâu, Như không còn nói về ước mơ của mình với ai, ước mơ xây đắp
từ những ngày trọ trẹ đọc vài dòng tít báo ít ỏi của ba, nơi quê nhà…
Những tờ báo mà ba phải đạp xe hơn mười cây số ra huyện mới mua được,
đối với Như lúc đó, thật giống như một kho báu.