Ngay khi ngọn lửa chuẩn bị liếm tới đầu ngón tay và Rath đang định
dập nó đi thì Doris cuối cùng cũng về với thực tại và vẩy tắt ngọn lửa.
Khói diêm cuộn lên thành vòng trên không trung, vương lại chút mùi
lưu huỳnh trong mũi Rath.
Doris ngẩn ngơ, đôi mắt nhìn anh đầy mờ mịt.
Rath để cho cô tự sắp xếp lại cái mớ suy nghĩ rối rắm trong đầu.
“Khi chúng tôi đang ở cửa hàng Dress Shoppe,” đôi mắt cô ấy lấy
lại vẻ linh hoạt. “Tôi hỏi ý con bé về một bộ váy, nhưng con bé đang
chú ý tới một thứ gì đó khác.” Doris dừng lại và nhắm hai mắt. “Sau
đó con bé bảo tôi chờ và ra ngoài. Tôi đã định bám theo - bà mẹ lắm
điều mà - nhưng người bán hàng chạy ra và bắt đầu huyên thuyên đủ
thứ về Mandy trông sẽ xinh đẹp như thế nào trong bộ váy đó và giữ tôi
lại chỉ để giới thiệu một chiếc váy dài mà cô ta cho là hoàn hảo, trước
khi tôi kịp đi ra thì con bé đã quay trở lại. Tôi cứ nghĩ con bé ra gặp
một người bạn, hoặc hút trộm điếu thuốc hay gì đó. Tôi đã nghĩ là con
bé hút thuốc và giấu tôi.”
“Cô bé đi ra ngoài trong khoảng bao lâu?”
“Nhiều nhất là năm phút.”
“Sau đó cô bé như thế nào? Nếu có thể hãy miêu tả bằng một từ.”
“Một từ thôi?”
“Chỉ một!”
Ký ức là một thứ ma quỷ ngụy trang dưới đủ loại hình thái. Sai
lầm cả về thực tế lẫn chi tiết. Trước tòa, một luật sư hay công tố viên
có thể tìm ra số sơ hở trong các bằng chứng dựa trên cơ sở hồi tưởng
nhiều hơn cả số lỗ đạn đếm được khi mấy tay say rượu bắn biển báo
giao thông bằng súng săn cỡ 12. Nhân chứng thường bị sao nhãng và
không thực sự hồi tưởng chính xác. Để giúp họ tập trung hơn, Rath
thường yêu cầu họ dùng một từ để miêu tả một chi tiết nào đó, như
chiều cao của một ai đó hoặc màu của chiếc xe xuất hiện ở hiện
trường.
“Nhắm mắt lại.” Rath nói. “Hãy nhớ lại gương mặt con bé!”