muốn ăn [thì mang ra giết] bất cứ lúc nào, vạn phần chết không có được lấy
một phần sống sót. Than ôi, vào đời Đường có người từng nói rằng: “Sinh ra
ơn trọng biết bao, giết đi tội lỗi lắm thay, cớ sao lại đẩy muôn loài đến chỗ
khốn khổ cùng cực như vậy?”
Tuy nhiên, như trên đã nói, ắt phải có chuyện báo ứng đền trả nơi chốn u
minh, chẳng khác gì pháp luật thế gian. Ngày đền trả càng trì hoãn về sau,
hình phạt càng tăng thêm gấp vạn lần tàn khốc. Lẽ nào chỉ vì chút miếng ăn
vào miệng mà phải cam chịu nỗi khổ đến như vậy? Nếu có thể không làm thế,
ắt nên quý trọng lòng từ, chấm dứt việc giết hại, kiềm chế ham muốn, giữ trọn
đức nhân ái, quán xét trong các loài không giống ta mà thấy được sự tương
đồng hình dạng, suy tưởng bên ngoài chỗ khác biệt về hình thể mà thấy ra chỗ
cùng một thể tánh. Quán xét niệm tưởng thật lâu ngày thì tâm lực từ bi tự nhiên
thành tựu. Đến như quán tưởng [việc ăn thịt loài vật như ăn] thịt con mình
cũng không cần nữa, huống chi lại có sự phân biệt giữa người với vật hay
sao?
Nếu như bị tập khí lâu đời trong tâm sai sử, lại càng phải nỗ lực trừ bỏ. Xưa
có tục xấu ác, sinh ra con gái thì không giữ lại. Dân Khương, Hồ thì đối với
con trai cũng giết. Do thói tục lâu ngày khiến cho đến nỗi như thế, chẳng còn
phân biệt được cốt nhục của chính mình. Nhưng thế thì đối với tâm không giết
hại, nếu được huân tập lâu ngày cũng sẽ như vậy, dù là con vật còn không nỡ
giết, huống chi con ruột của mình? Nếu để tâm quen theo việc giết hại, thì dù
con ruột của mình còn giết được, huống chi đối với loài vật?
Cái tâm tích tập lâu đời theo thói quen như thế chính là căn bản của sự trói
buộc vào nghiệp ác. Nếu muốn dứt trừ sự giết hại, trước hết phải quán chiếu
vào tập khí, quán chiếu vào tự tâm, một khi thành tựu thì thói quen [giết hại]
tích tập từ xưa tự nhiên dứt sạch.