Đến như sai lầm của giới học Nho sau này, ắt không biết đến việc quán tâm
mà cố cầu đạo nhân ái, thật cũng dễ nhận biết. Mạnh tử nói: “Nhân từ với dân,
thương yêu loài vật.” Trong câu nói đó đã thấy sự thương yêu phân ra có chỗ
trì hoãn, có phần cấp thiết. Nếu người giết loài vật để ăn thịt mà vẫn nói đó là
thương yêu, thì so với câu chuyện la-sát nữ trong kinh Phật đâu có gì khác
biệt? La-sát nữ ấy bắt người ăn thịt, nói rằng: “Ta nghĩ đến các người, nên ăn
thịt các người.” Ôi, ăn thịt người mà nói rằng biết nghĩ đến người, so với
[Mạnh tử] ăn thịt loài vật mà nói là thương yêu loài vật, như vậy thì có khác
gì nhau?
Ý nghĩa trung chính, theo tâm chính trực mà làm, nếu [lìa bỏ ý nghĩa chân
chánh, chỉ] chạy theo sự việc mà tìm cầu, ắt phải xa rời đánh mất đạo nghĩa.
Như nói rằng ít giết hại là hợp đạo, điều ấy ghi chép trong kinh điển nào? Nói
như thế thật chỉ đủ cho người hiểu biết cười chê. Tử Lộ gảy đàn, tâm giết hại
biểu lộ ra tiếng đàn, liền bị Khổng tử quở trách, bạn đồng môn không còn kính
trọng. Từ xưa đến nay, lẽ nào lại có người chưa dứt hết tâm giết hại mà thành
bậc thánh?
Nay tà thuyết hoành hành quá thịnh nơi đất Hoa Hạ này. Đức Phật xưa thường
dạy rằng: “Trong đời mạt pháp, đạo của ma hết sức mạnh mẽ thịnh hành.” Do
ma lực nên khiến người ta không thể nhận biết được tà thuyết hiện nay, đó
cũng là điều có thể dễ dàng tự hiểu. Nhưng thiên hạ mênh mông muôn ngàn
dặm, thời gian trải qua đã mấy ngàn năm, trong đó người thông minh trí tuệ
liễu đạt cũng dễ tương đồng như kẻ mê mờ không giác ngộ. Lời Phật đã dạy,
tin chắc không dối gạt.
Xưa, Đào Hoành Cảnh ẩn cư tu tập cầu được thành tiên, trải qua đã nhiều năm
mà chẳng thấy dấu vết chim loan chim hạc, trong lòng hết sức ngờ vực. Ngày
nọ, có người học trò của ông vốn đã thành tựu tiên đạo, từ trên trời hiện xuống
bảo ông: “Thượng đế thấy sách ‘Bản thảo’ của thầy soạn giải có nhiều
phương thuốc sử dụng côn trùng, giết hại sinh mạng rất nhiều, nên sự tu tập