Lại lấy Đại thừa làm tâm nguyện, gấp rút mong sao cho mọi người đều [thấu
đạt lý không giết hại] giống như mình, một người khuyên bảo trăm người, trăm
người khuyên bảo ngàn người, nối tiếp mà khuyên bảo nhau, truyền rộng đến
vô số, giáo thuyết đại từ đại bi liền rõ ràng sáng tỏ khắp thế gian, dù đời sau
có kẻ bác bỏ, cho là hão huyền, cũng không thể làm cho suy yếu; có người
công kích lẽ chân thật, cũng không thể làm cho bế tắc; tuy vẫn có sự suy giảm
vì truyền nối qua nhiều đời, nhưng nhờ noi theo cội gốc, nối theo người xưa
nên muôn loài vật được thoát nạn giết hại cũng sẽ nhiều không tính hết.
Than ôi, những con vật kia đã chịu quả báo nhất định phải bị giết, thì người
giết chúng cũng có cái nhân xấu ác nhất định phải tạo ra. Những lời của tôi
tuy chẳng được ngọt ngào êm dịu, nhưng cũng đáng để mọi người hồi tâm suy
xét lại.
Học thuyết của giới học Nho sau này cũng không nói những điều khác với
Khổng Mạnh, nên biết rằng họ cũng xem thuyết của Khổng Mạnh là đúng thật.
Nhưng Phật dạy như thế này, Khổng Mạnh lại nói như thế kia, một bên trong
như nước sông Vị, một bên đục như nước sông Kinh, so sánh với nhau thì tự
nhiên phân biệt được. [Nếu như] vua Nghiêu vua Vũ cùng ra đời, lòng người
ắt phải nghiêng về theo vua Nghiêu; [ví bằng] Khổng tử với đức Phật cùng
xuất thế, làm sao có thể không quy y Phật?
Đó chính là lý do đức Phật được tôn xưng là Pháp vương trong Ba cõi, là
đấng cha lành của chúng sinh trong khắp cõi thế giới đại thiên, là mẹ hiền của
tất cả những người mẹ hiền.
Xưa Mặc tử lập thuyết kiêm ái, có người chỉ trích, Mặc tử liền nói: “Ví như ở
đây có người theo thuyết kiêm ái, phụng dưỡng cha mẹ người khác như cha
mẹ mình, thương yêu bảo bọc vợ con người khác như vợ con mình, lại có
người không theo thuyết kiêm ái nên làm ngược lại. Xin hỏi, nếu ông có việc