Cậu cuống quýt xin lỗi: “Tôi xin lỗi, mấy cuốn sách tuột ra
và…”
“Đừng ngại,” Ishvar ngắt lời. “Có phải lỗi của cậu đâu.” Đoạn
ông quay sang cháu: “May mà không bị ngược lại, nhỉ? Giá bác
mà ngã vào người mày, chắc mày đến gãy xương chứ chả chơi.”
Họ lại cười ồ lên, Maneck cũng cười, để trợ lực cho lời xin lỗi của
mình.
Thân hình Ishvar Darji cũng chẳng phương phi gì, song sự
đối lập của nó với những bắp thịt nhẳng cù nheo của
Omprakash đã khơi mào cho lời bông đùa giữa hai bác cháu về
cân nặng của ông bác. Những lời châm chọc khi thì nảy ra từ
miệng người này, lúc thì bật từ miệng người kia. Khi họ ăn bữa
tối, Ishvar luôn cố sẻ phần hơn vào chiếc đĩa men của thằng
cháu. Lúc tạt vào một quán ăn ven đường, ông chỉ rình đến lúc
Omprakash đi uống nước hoặc vào nhà xí là vội gạt một phần
thức ăn của mình sang đĩa bên cạnh.
Lỡ Omprakash có nói gì, Ishvar mắng át đi ngay: “Đến lúc bác
cháu ta về làng, bà con họ hàng sẽ nói sao đây? Rằng lên thành
phố, bác bỏ đói thằng cháu và chén sạch thức ăn hả? Ăn đi, ăn
đi! Bác phải vỗ béo mày mới được, không thì còn đâu danh tiếng
của bác nữa!”
“Bác lo gì chứ,” Omprakash đá lại. “Chỉ cần danh tiếng của
bác to bằng phân nửa người bác, cháu tưởng cũng đủ mát mặt
lắm rồi.”
Dẫu vậy, cơ thể Omprakash vẫn bất chấp mọi nỗ lực của ông
bác và giữ nguyên hình hài của một que tăm. Số kiếp của hai
bác cháu cũng vậy, cứ mãi mang một bộ mặt nghèo nàn đói
rách, và cái ngày được rạng mày rỡ mặt trở về làng vẫn chỉ là
một giấc mơ xa vời.