cùng trường với bọn mình mà. Cô ấy viết thư cho tớ, bảo là
thằng bé Maneck ghét ở kí túc xá lắm, nó đang đòi chuyển ra
ngoài. Mình muốn chắc chắn rằng chúng ta kiếm được người
tốt.”
Dina không bỏ chữ nào vào tai, lại nói tiếp: “Mua bao nhiêu vé
tàu như thế chỉ tốn tiền.” Cô chỉ mong bạn đồng ý cho mình
chấm dứt những hành trình giày vò tâm hồn kia.
“Nhưng thử nghĩ mà xem, đến khi tìm được hai thợ may rồi,
cuộc sống của cậu sẽ dễ thở hơn biết bao nhiêu! Chẳng lẽ cậu
muốn từ bỏ tự do để về sống cùng Nusswan hay sao?”
“Thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa!” Viễn cảnh đó thuyết
phục cô tiếp tục để lại địa chỉ của mình ở những tiệm may khác.
Cô thấy mình giống hệt mấy đứa trẻ trong một câu chuyện cổ
tích mà cô đã quên mất tên, miệt mài rắc vụn bánh mì trên
đường mình đi qua với hi vọng sẽ có người đến cứu. Song lũ
chim đã chén sạch chỗ bánh mì. Cô tự hỏi, liệu mình có được
cứu không, hay vệt chỉ đường bằng giấy của cô lại bị xơi tái bởi
những cơn gió, bởi dòng nước cống đen ngòm, bởi đội quân
đồng nát đói khát đang càn quét khắp các đường phố với những
chiếc bao tải trên tay?
Mệt mỏi và chán nản, cô rẽ vào một con ngõ nhỏ. Giữa ngõ là
một rãnh chứa nước thải. Cuộng và lá rau, đầu lọc thuốc lá, vỏ
trứng nổi bập bềnh trên mặt nước. Đi xa hơn một chút, con ngõ
thắt nút cổ chai và hầu như biến thành một con lạch. Mấy đứa
trẻ đang chơi trò thả thuyền giấy trên rãnh. Chúng nô nức đuổi
theo những con thuyền trôi xuôi dòng nước lờ đờ. Mấy tấm ván
được bắc ngang rãnh, tạo thành lối vào các cửa hiệu và ngôi
nhà. Mỗi khi một con thuyền mất hút dưới một tấm ván rồi trồi
ra bình yên vô sự ở đầu bên kia, bọn trẻ lại vỗ tay rầm rĩ.