của họ khiến cô tò mò; họ dùng chúng để gấp đường may và xếp
li. Cái má méo mó của Ishvar nom ghê thật, cô nghĩ thầm,
không hiểu đã có chuyện gì nhỉ? Trông ông ta không giống kiểu
người dính líu vào mấy vụ đâm chém. Nụ cười cùng bộ ria luôm
nhuôm trông tức cười của ông dường như khiến vết thương
nom dịu đi. Cô đưa mắt nhìn sang anh chàng Omprakash lầm lì.
Cái hình hài xương xẩu, nhọn hoắt và góc cạnh, trông như một
thứ thiết bị cơ khí gắn thêm vào chiếc máy may.
Mong manh như một mẩu pha lê mài vậy, cô thoáng nghĩ với
chút lòng trắc ẩn. Lại còn mái tóc bóng dầu của cậu ta– cô hi
vọng cậu sẽ không làm bẩn vải.
Giờ ăn trưa dần trôi qua, họ vẫn tiếp tục làm việc, chỉ dừng
lại để xin một ly nước. “Cảm ơn cô,” Ishvar nói, đoạn tu một hơi
cạn sạch. “Nước mát quá.”
“Các anh không ăn trưa sao?”
Ông ta hăng hái lắc đầu, làm như câu hỏi kia là thậm phi lý
không bằng. “Một bữa buổi tối là đủ rồi. Ăn thêm chỉ tổ phí thời
giờ và cơm nước.” Im lặng một lát, ông ta hỏi: “Cô Dina này, vụ
Tình trạng khẩn cấp chúng ta vẫn được nghe là cái gì vậy?”
“Chuyện của chính phủ ấy mà, trò của mấy ông bà lãnh đạo
thôi. Chả ảnh hưởng gì đến dân thường chúng ta đâu.” “Tôi
cũng bảo thế mà,” Omprakash lầu bầu. “Bác tôi toàn lo vớ lo
vẩn.”
Họ lại chú mục vào chiếc máy Singer, còn Dina thầm nghĩ
khoán việc quả là một ý tưởng tuyệt vời. Cô tráng cốc và úp
riêng một chỗ. Từ nay trở đi đó sẽ là cốc cho thợ.
Trời ngả dần về chiều, ngồi trước máy, Ishvar càng lúc càng
tỏ vẻ bất an. Cô để ý thấy ông ta còng lưng xuống, hai chân khép