với ngày xưa, khi tay và mắt ngày đêm bị giày vò vì may vá thêu
thùa.
Với hai người thợ may, niềm vui được công ty xuất khẩu chấp
nhận thật không bút nào tả xiết. “Nếu lô đầu tiên đã xuôi chèo
mát mái, thì những lô về sau sẽ không có vấn đề gì đâu,” Ishvar
hăm hở tuyên bố bằng giọng chắc nịch chưa từng thấy, trong
khi cô đếm tiền trả cho hai bác cháu.
“Phải,” Dina nhắc, “nhưng họ sẽ liên tục kiểm tra chất lượng,
nên ta không thể lơ là được. Và phải trả hàng đúng hẹn nữa.”
“Cô đừng lo,” Ishvar đáp. “Lúc nào cũng sẽ là chất lượng số
một, đúng hẹn.” Và Dina đinh ninh những ngày khổ sở, vất vả
của mình đã khép lại.
Hai người thợ may bắt đầu nghỉ trưa đều đặn để ăn. Dina
luận ra rằng công thức một-bữa-mỗi-ngày mà Ishvar vừa tuyên
bố tuần trước là do túi tiền eo hẹp, chứ chẳng phải bởi nếp sống
kham khổ hay một thứ đạo đức làm việc nghiêm khắc nào hết.
Nhưng cô rất vui vì doanh nghiệp của mình càng lúc càng ăn
nên làm ra.
Đúng một giờ trưa, Omprakash tuyên bố: “Cháu đói rồi, ta đi
thôi.” Hai bác cháu bèn bỏ mấy chiếc váy sang một bên, cất cây
kéo thợ may quý báu của mình vào ngăn kéo, và ra ngoài.
Họ ăn ở Hotel đồ chay Vishram chỗ góc phố. Ở Vishram, chả
có gì gọi là bí mật hết–tất cả đều được bày ra giữa thanh thiên
bạch nhật: một người thái rau củ, một người khác xào xáo
chúng trong chiếc chảo đít đen kịt to tướng, một thằng bé lo rửa
ráy bát đĩa. Trong cái tiệm ăn bé tí có độc một bàn, nên Ishvar
và Omprakash chẳng chờ có chỗ trống mà đứng ăn luôn giữa
đám đông ở ngoài cửa. Rồi họ vội vã trở lại làm việc, rảo bước