Giờ Dina lại ước có cậu cháu ít nói như xưa. Cô biết cậu đang
toan tính chuyện gì, và từ ngày hôm đó, cô luôn tìm mọi cách
sao cho số vải lấy từ Công ty xuất khẩu Au Revoir không mang
một dấu vết gì về xuất xứ của nó. Các hóa đơn được cất trong tủ
khóa kĩ. Những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trên niềm lạc
quan của cô khi nó phải cố bắt kịp với hai người thợ may. Cô biết
con đường mình đi đã trở nên gập ghềnh.
Hai người thợ may ở cách đây rất xa, cũng may mà có tàu
hỏa. Thế nhưng, giờ cứ mỗi lần họ đến muộn, Dina lại lo, hẳn cô
đã bị họ bỏ rơi vì một công việc tốt tiền hơn. Và bởi cô không thể
để họ phát hiện ra nỗi lo sợ của mình, cô luôn che giấu cảm giác
nhẹ nhõm trước sự xuất hiện của hai bác cháu bằng thái độ
không bằng lòng.
Một ngày trước hạn giao hàng, phải tới mười giờ sáng họ mới
tới. “Có một vụ tai nạn, nên tàu bị hoãn chuyến,” Ishvar phân
bua. “Lại một người đáng thương nữa chết trên đường ray.”
“Chuyện này xảy ra như cơm bữa vậy,” Omprakash nói.
Hơi từ cái dạ dày rỗng tuếch phả ra từ mồm hai người, như
một cái kén bọc lời nói chẳng thơm tho gì cho cam. Cô không có
hứng nghe họ phân bua. Bác cháu họ ngồi xuống trước máy
may sớm chừng nào hay chừng ấy.
Nhưng sự im lặng từ phía cô có thể bị hiểu nhầm là yếu thế,
vì vậy cô bèn lạnh lùng nói: “Chính phủ nói, trong điều kiện
Tình trạng khẩn cấp, tàu hỏa sẽ luôn chạy đúng giờ. Còn tàu của
bác cháu anh lúc nào cũng chậm chuyến, kể cũng lạ thật đấy!”
“Nếu chính phủ mà biết giữ lời, thì chắc thần thánh cũng
phải giáng trần mà quàng vòng hoa lên cổ các vị ấy,” Ishvar vừa
nói vừa cười khà khà, đầu gật gù ra chiều xuê xoa.