dỗ dành, nếu ông chủ nhà già néo đứt dây, dẫn đến kiện tụng
trả đũa. Những giọt nước mắt của người thu tiền nhà sẽ khiến
người thuê nhà chùn bước mà thương cho ông chủ nhà tội
nghiệp luôn phiền lo trăm mối, một nạn nhân khốn khổ của
nhà đất thời hiện đại, một người vốn dĩ nào có ác ý chi.
Những ngăn cùng túi của chiếc cặp mới trở thành thứ không
thể thiếu giúp tách bạch đủ loại vai trong vốn diễn của Ibrahim.
Tuy nhiên, đến giai đoạn này của sự nghiệp, hắn bắt đầu cảm
nhận ngày càng rõ sự bất tiện nảy sinh từ nụ cười vô điều kiện
ngọt ngào của mình. Hắn phát hiện ra rằng, mồm nói toàn
những lời đe dọa và cảnh cáo ghê rợn, môi lại nở nụ cười hòa
nhã thật không phải một chiến lược hay. Giá hắn có thể sửa nó
thành một nụ cười hăm dọa thì có phải hết chỗ chê không. Song
các cơ có liên quan trong cử chỉ này lại nằm ngoài tầm kiểm
soát của hắn. Những dịp khi hắn phải bày tỏ thái độ ái ngại vì
việc sửa chữa bị chậm trễ, hoặc gửi lời chia buồn về cái chết của
thân nhân người thuê nhà cũng gian nan không kém. Thế là
chẳng bao lâu sau, cái tật khoe răng phiền toái ấy đã khiến hắn
bị mang tiếng oan là vô cảm, thô lỗ, kém chuyên nghiệp, thiểu
năng, thậm chí độc ác.
Cứ thế, nụ cười xúi quẩy dẫn lão qua ba đời cặp bìa các tông,
đều một màu nâu đen như cái đầu tiên, và hai mươi tư năm
được chất thêm lên vai lão. Hai mươi tư năm khổ nhọc mà
nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng, tuổi thanh xuân của lão cũng
theo đó mà tiêu ma, và tham vọng xán lạn về một mùa vàng của
chính lão dần hoen ố bởi bao nỗi cay cực. Tuyệt vọng, và cả tổn
thương vì biết chắc rằng mình chẳng còn mong hòng gì nổi vào
tương lai nữa, lão nhìn vợ cùng hai thằng con trai và hai đứa
con gái vẫn hết mực tin tưởng lão mà càng thêm đau đớn. Lão
cứ tự hỏi mình đã làm gì nên tội, mà phải sống một cuộc đời
mòn mỏi, cạn khô hi vọng như thế? Hay phàm sinh ra là con