người, ai cũng phải chịu nỗi khổ này? Lẽ nào Con Tạo không
đếm xỉa gì đến chuyện chỉnh lại đòn cân cho thẳng thớm – hay
cái gọi là công bằng không hề tồn tại trên cõi đời này?
Thường xuyên lui tới nhà thờ xem ra đã trở thành việc quá vô
nghĩa lý. Sự hiện diện của lão trong buổi lễ cầu nguyện vào mỗi
thứ Sáu càng lúc càng thưa thớt. Lão bắt đầu tìm sự chỉ lối đưa
đường trong những phương thức từng một thời bị chính lão
ghê tởm, coi là món dành riêng cho lũ người tăm tối.
Các thầy chiêm tinh Ấn và thầy bói chợ khiến lão thấy được
an ủi nhiều nhất. Chúng hiến cho lão giải pháp để xử lý những
vấn đề tiền bạc, cùng lời khuyên giúp cải thiện tương lai lão,
vốn đang biến thành quá khứ với tốc độ chóng mặt. Lão phát
hiện ra rằng, những lời phán của bọn này có tác dụng hệt như
một loại thuốc an thần.
Đến xem chỉ tay và chiêm tinh Tây, lão cũng chẳng từ. Thế
rồi, vì muốn tìm loại thuốc nặng đô hơn, lão xoay ra trọng dụng
những vị sứ giả kém chính thống hơn: chim bồ câu chọn lá bài,
vẹt đọc biểu đồ, bò truyền tin, rắn tiên tri. Lúc nào cũng lo ngay
ngáy bị người quen nhận ra giữa những cuộc du ngoạn đáng
ngờ của mình, lão bấm bụng từ biệt chiếc mũ đuôi seo quen
thuộc, dù lòng rất không đành. Cảm giác ấy chẳng khác nào
phải xa rời một người bạn chí thân. Trước nay mới chỉ có một
dịp lão chịu bỏ món phục trang thường nhật này, đó là hồi
Phong trào li khai bùng nổ năm 1947. Khi ấy, những cuộc tàn
sát dân thường xung quanh khu vực biên giới mới xác lập châm
ngòi cho bạo loạn ở khắp nơi, và chưng diện mũ đuôi seo giữa
một khu người Hindu là chuyện nguy hiểm chết người, chẳng
kém gì sống trong xứ sở của người Hồi giáo mà vẫn để bao quy
đầu vậy. Ở một số nơi, ai khôn ra thì cứ để đầu trần, bởi trong