mang đi khắp nơi, có lẽ lão cũng sẽ nhận mà không buông một
lời than phiền nào.
Song cặp nhựa cũng có cái hay–nó chặn đứng bàn tay phá
hoại của mùa mưa. Giờ lão hiếm khi phải sao lại những giấy tờ
mà mực in đã lỡ múa may theo những vòng xoáy điên loạn của
nước mưa. Đến cái đận này, khi tay lão đã bắt đầu run, thì đây
quả là một điều may mắn. Thêm nữa, chỉ cần đưa một vệt giẻ
ướt là đủ loại vết bẩn do hắt hơi hay hít thuốc, dù xanh hay nâu,
đều có thể được lau sạch, không còn khiến lão phải ngượng
ngập khi phải trình diện trước ông chủ nữa.
Ở nhà cũng vậy, có những thay đổi lão bất đắc dĩ phải chấp
nhận. Mà nói trắng ra, lão còn lựa chọn nào khác đâu?
Đứa con gái lớn của lão chết vì bệnh lao, vợ lão rồi cũng theo
gót con. Sau thì hai đứa con trai sa chân vào xã hội đen, lâu lâu
lại mò về vòi tiền lão. Đứa con gái còn lại, đúng vào lúc lão
manh nha hi vọng nó sẽ giúp gỡ gạc lại tất cả, bỏ nhà đi làm
điếm. Lão bỗng thấy đời mình đã trở thành cốt truyện cho một
bộ phim Hindi rẻ tiền, chỉ thiếu cái kết có hậu.
Lão tự hỏi, mình còn làm việc tiếp để làm gì, còn tuần tiễu
quanh sáu tòa nhà và thu tiền vì ai? Sao lão không leo lên nóc
một tòa mà nhảy quách xuống cho xong? Sao lão không cho cả
đám giấy má cùng tiền bạc một mồi lửa, rồi tẩm đẫm dầu hỏa từ
đầu đến chân và nhảy luôn vào đó? Nhờ đâu mà quả tim lão vẫn
còn đập đều thay vì vỡ tung tóe, thần trí lão vẫn còn tỉnh táo
chứ chưa vỡ tan nát như một tấm gương bị đánh rơi? Lẽ nào
chúng đều được làm từ những vật liệu tổng hợp bền chắc, giống
như chiếc cặp nhựa không gì phá nổi kia? Và vì đâu mà thời
gian, kẻ phá hoại sừng sỏ số một, lại bị hờ hững đến thế?