rằng họ tới để quét dọn và nấu nướng cho cô.
Omprakash tự ái lắm. “Cháu là thợ may, chứ không phải một
thằng hầu khố rách áo ôm chuyên lo quét nhà lau cửa cho cô
ta,” cậu hầm hè khi hai bác cháu trở về vào tối hôm ấy.
“Đừng trẻ con thế, Om. Chỉ là chuyện bịa ra để tránh phiền
phức với lão chủ nhà thôi mà.”
“Tránh phiền phức cho ai? Cho cô ta. Cớ gì cháu phải lo? Bác
cháu ta còn chẳng được cô ta trả công cho ra hồn. Nếu chúng ta
chết ngay ngày mai, cô ta lại kiếm được hai thợ mới ngay thôi.”
“Sao mày toàn nói mà không nghĩ thế? Nếu cô ta bị đuổi khỏi
nhà, thì ta còn chỗ nào để làm việc nữa? Mày bị làm sao thế?
Đây là công việc tử tế đầu tiên ta kiếm được từ lúc lên thành
phố.”
“Vậy cháu phải ăn mừng vì chuyện đó ư? Công việc này sẽ
giúp chúng ta được vạn sự như ý chăng?”
“Chỉ mới ba tuần thôi mà. Phải kiên nhẫn, Om ạ. Trên thành
phố có rất nhiều cơ hội, rồi mày sẽ có thể biến ước mơ thành sự
thực.”
“Cháu chán thành phố lắm rồi. Từ khi đến đây, chúng ta chỉ
toàn nếm mùi khổ sở. Cháu chỉ ước mình cứ chết quách ở làng
lại hay. Giá mà cháu cũng bị thiêu sống như cả nhà cháu.”
Khuôn mặt Ishvar tối sầm lại, cái má méo mó của ông giần
giật trước nỗi đau của thằng cháu. Ông khoác tay lên vai cậu.
“Rồi tình hình sẽ khá lên, Om ạ,” ông nài nỉ. “Hãy tin bác, tình
hình sẽ khá lên. Rồi ta sẽ trở về làng.”