đã bóc lột đủ số ngày lao động không công của người Chamaar
trong năm đó chưa.
Người Chamaar lột da con vật, thịt để ăn, còn da đem thuộc,
sau có thể chế thành dép, roi, yên ngựa, hoặc túi đựng nước.
Dukhi dần học cách biết quý trọng những con vật đã chết, bởi
chúng mang lại nguồn sống cho gia đình cậu. Dukhi càng thạo
nghề, thì một cách vô hình tích nhưng bền bỉ, làn da của chính
cậu càng thấm nhuần thứ mùi đã trở thành một phần hơi hám
của bố cậu, đó là mùi thối khẳm của thợ làm da mà không gì tẩy
nổi, dù anh ta có dầm mình xuống dòng sông trong sạch nhất
mà rửa ráy, kì cọ.
Dukhi không nhận ra từng lỗ chân lông của mình đã uống
đẫm loại mùi ấy cho đến một ngày nọ, vừa ôm con vào lòng, mẹ
cậu đã phải nhăn mũi lại mà nói với giọng tự hào pha lẫn buồn
tủi: “Con trai mẹ lớn thật rồi, mẹ ngửi thấy mùi khác hẳn.”
Suốt một thời gian sau đó, cậu bé liên tục gí mũi vào nách mà
ngửi, xem mùi ấy có còn lẩn quẩn ở đó không. Cậu cứ thắc mắc,
nếu da mình bị lột sạch thì nó có mất đi không? Hay nó đã thấm
sâu vào tận dưới da? Cậu tự chích mình một cái và ngửi thử
máu, nhưng cuộc thí nghiệm bất thành, bởi giọt ruby đỏ nhỏ
xíu trên đầu ngón tay cậu chưa phải một mẫu vật đủ tiêu
chuẩn. Còn thịt và xương thì sao, mùi thối có ngấm vào tận đó
không? Chẳng phải cậu muốn nó biến mất đâu; cậu thấy hãnh
diện vì mình có mùi giống bố là đằng khác.
Ngoài công việc thuộc và gia công da, Dukhi còn học được thế
nào là thân phận của một kẻ sinh ra làm kiếp Chamaar, là tiện
dân, trong xã hội thôn làng. Mảng giáo dục này không đòi hỏi
bất cứ chỉ dẫn đặc biệt nào. Giống như đủ thứ máu me phân
lông dơ bẩn của những con vật chết luôn vấy đẫm trên người
hai bố con khi họ làm việc, những tín điều của chế độ đẳng cấp