Thấy vợ chui vào lều, Dukhi vờ như đang ngủ say. Suốt đêm
đó, anh nghe tiếng vợ nức nở nghẹn ngào mấy bận.
Ngửi mùi trên người vợ, anh đoán được ngay chuyện gì đã
xảy ra trong lúc chị lẻn đi. Trong lòng anh những muốn quay
sang với vợ, nói cùng chị, an ủi chị. Nhưng anh chẳng biết nói
sao cho phải; vả lại, anh cũng sợ, không muốn biết nhiều quá.
Anh đành lặng lẽ khóc, trút hết nhục nhã, căm hận, tủi hổ vào
những giọt nước mắt; anh chỉ ước sao mình chết ngay đêm ấy.
Sáng hôm sau, Roopa làm như không có việc gì xảy ra. Vì vậy
Dukhi cũng chẳng nói gì, và họ ăn cam.
Hai năm sau khi Ishvar ra đời, Roopa và Dukhi có thêm một
đứa con nữa. Thằng bé được đặt tên là Narayan. Trên ngực nó
có một vết bớt màu đỏ sậm. Bà cụ hàng xóm giúp đỡ đẻ cho
Roopa bảo, bà đã từng thấy một vết bớt y như thế. “Như thế
nghĩa là nó có một trái tim can đảm và rộng lượng. Thằng bé
này sẽ làm cô nở mày nở mặt lắm đây.”
Tin tức về cậu con trai thứ hai đã khuấy động nỗi tị hiềm ở
khắp các gia đình đẳng cấp cao từng làm đám cưới trong cùng
khoảng thời gian Roopa và Dukhi lấy nhau, nhưng cô vợ chưa
có con cái gì, hoặc vẫn đang chờ một mụn con trai. Không hận
sao được–mỗi đứa con gái chào đời thường mang lại cho họ
những trận đánh nhừ tử từ chồng và gia đình nhà chồng. Nhiều
lúc họ còn bị ép phải bí mật giết bỏ đứa trẻ mới sinh. Khi ấy, họ
không còn cách nào khác ngoài lấy tã quấn cho nó ngộp thở,
đầu độc nó, hoặc bỏ đói nó đến chết.
“Trời đất đảo điên hết cả rồi!” Họ rên rẩm. “Sao trong nhà của
một thằng tiện dân lại có tới hai đứa con trai, mà ở nhà chúng ta
thì đến một đứa cũng không có?” Một thằng Chamaar thì có gì
để truyền cho con trai đâu, mà thần thánh phải hậu đãi nó thế?