Maneck không hiểu hai bác cháu nói thế là có ý gì, mãi đến
khi ra khỏi ga, Ishvar mới giải thích: “Chả là, tôi và Om là thợ
may. Cô Dina Dalal rao có việc cho hai thợ, nên chúng tôi đến
xin làm.”
“Cậu tưởng tôi đến đấy để cướp việc của cậu, phải không?”
Maneck mỉm cười. “Đừng lo, tôi chỉ là sinh viên thôi. Mẹ tôi và
cô Dina Dalal từng học cùng trường. Cô ấy cho tôi ở trọ vài
tháng, vậy thôi.”
Họ hỏi đường một người bán trầu cau, rồi đi theo con phố đã
được mách. Omprakash vẫn chưa hết nghi ngờ. “Cậu bảo sẽ ở
với cô ấy vài tháng, thế đồ đạc, của nả của cậu đâu hết rồi? Sao
chỉ mang mỗi hai cuốn sách thế này?”
“Hôm nay tôi chỉ đến gặp cô ấy thôi. Tháng sau tôi mới
chuyển đồ từ kí túc xá vào.”
Họ gặp một người ăn mày nằm phủ phục trên cái bệ gỗ nhỏ
có gắn bánh xe, giúp nâng ông ta lên cao hơn mặt đất độ dăm
phân. Các ngón giữa cùng ngón cái của ông đã chẳng còn, mà
đến hai chân cũng cụt đến tận mông. “Ới chú ơi, cho lão xin một
xu
!” Ông kêu, hai bàn tay băng bó chằng chịt lắc lắc cái ống bơ
thiếc. “Ới chú ơi! Làm ơn làm phước cho lão một xu!”
“Từ lúc lên thành phố đến giờ, bác chưa thấy ai thảm bằng
người này,” Ishvar nói, hai người kia cũng gật đầu đồng tình.
Omprakash bèn dừng lại để thả một xu vào bơ.
Họ băng qua đường và hỏi lại hướng đi. “Tôi đã sống ở đây
được hai tháng rồi,” Maneck nói, “nhưng thành phố này vừa to
vừa lộn xộn. Chỉ có mấy phố lớn may ra tôi còn nhận mặt được.
Còn các ngõ nhỏ trông cái nào cũng như nhau.”