“Bác cháu tôi xin phép,” Ishvar vội nói. “Chúng tôi ăn sáng
vẫn còn no.” Omprakash lập tức xóa bỏ mọi dấu hiệu thèm khát
trên khuôn mặt mình.
“À vâng,” Maneck đáp vẻ băn khoăn, đoạn cậu gọi một cốc
đại. Cậu nhìn hai người thợ may đứng đó, mắt nhìn lảng đi,
không dám hướng vào cái bình đầy cám dỗ hay cốc nước mát
lạnh trên tay cậu. Cậu thấy khuôn mặt mệt mỏi của họ, thứ
quần áo tồi tàn họ mang trên người cùng đôi dép lê mòn vẹt.
Cậu uống nửa cốc rồi nói: “Tôi no quá. Bác với cậu uống giúp
nhé?”
Cả hai đều lắc đầu.
“Bỏ đi thì phí quá.”
“À, vậy thì được,” Omprakash nói và cầm lấy cốc nước. Cậu
uống vài hớp rồi đưa cho bác.
Ishvar tu một hơi cạn sạch rồi trả cốc lại cho người bán.
“Ngon thật,” ông nói, mặt tươi tỉnh khoan khoái. “Cậu tốt quá,
lại còn cho chúng tôi uống cùng nữa. Nước mát lắm, cảm ơn
cậu.” Cháu ông cau mày nhìn bác, chừng như để ghìm bớt sự
hưng phấn của ông.
Chỉ chút nước quả mà họ đã cảm kích đến vậy, Maneck thầm
nghĩ, những con người này thèm khát một cử chỉ tử tế biết bao.
Trên cánh cửa hành lang có một tấm biển đồng đề: Ông bà
Rustom K. Dalal, những con chữ dày hẳn lên sau bao năm trời bị
ôxy hóa. Dina Dalal ra mở cửa và nhận lấy mẩu giấy nhàu nát có
chữ viết tay của chính mình.
“Các anh là thợ may?”