đìa, nhỏ tong tong xuống mặt con. Ishvar rùng mình, lưỡi cậu
bé thè ra và nếm ngay phải thứ nước mằn mặn của bố chảy trên
môi mình. Dukhi nhẹ cả người, tim dịu lại khi nhìn thấy chút
dấu hiệu của sự sống đó.
“Ối làng nước ơi!” Roopa rú lên thất thanh khi nhìn thấy con
máu me bê bết. “Bố thằng Ishvar, mình làm gì con tôi thế này!
Làm sao phải vội đưa nó đi ngay hôm nay mới xong? Nó còn bé
bỏng là thế! Đợi nó lớn tí nữa không được hay sao?”
“Nó đã bảy tuổi rồi,” Dukhi nhẹ nhàng đáp. “Hồi bố đưa đi
làm, tôi mới năm tuổi.”
“Mình nói thế mà nghe được à? Chả lẽ nếu mình bị thương rồi
chết lúc lên năm, mình cũng làm thế với con ư?”
“Nếu chết lúc lên năm, thì tôi còn có con sao được,” Dukhi
đáp, giọng còn dịu dàng hơn nữa. Anh bèn đi hái mấy thứ lá
cầm máu và băm thật nhỏ, cho đến khi nó gần quánh lại như
keo. Xong xuôi, anh quay lại làm việc tiếp.
Roopa rửa sạch vết thương và đắp thứ lá thuốc xanh sậm lên.
Lát sau, khi chị đã bình tĩnh trở lại, cơn giận chồng nguôi ngoai
dần. Chị buộc mấy lá bùa hộ mệnh lên tay hai đứa con, tự lý giải
rằng chính ánh mắt quỷ dữ của lũ đàn bà Bà la môn đã làm
Ishvar bị thương.
Còn các bà các cô không có con cũng cảm thấy an tâm phần
nào: vũ trụ đang trở về trật tự bình thường; mặt của con thằng
tiện dân không còn lành lặn nữa mà đã thành ra méo mó, đúng
như nó vốn phải thế.
Đến tối, Dukhi về nhà và ngồi bệt xuống đất, chỗ góc lều nơi
anh vẫn ngồi ăn. Ishvar và Narayan rúc vào lòng bố, hít hà mùi
thuốc lá quyện trong hơi thở của bố, nhất thời pha loãng bớt
mùi thối của da, tanin, và thịt rữa. Roopa trải đều từng miếng