“Có học thì chúng cũng sẽ không được phép hành nghề ở làng
đâu.”
Ashraf phát sốt ruột với suy nghĩ bi quan của bạn. “Dào, tình
hình sẽ thay đổi. Anh chả nghe mấy người nói ở buổi mít tinh
rồi còn gì. Đưa hai thằng con anh lên đây, tôi sẽ dạy chúng nghề
may ngay tại cửa hiệu.”
Trong giây lát, mắt Dukhi sáng lên khi mường tượng ra triển
vọng tương lai. “Thôi,” anh nói. “Tốt hơn hết là cứ ai ở chỗ người
nấy.”
Vụ thu hoạch đã tới, Dukhi thôi không đến xưởng gỗ nữa. Lời
thề cạch mặt lũ địa chủ của anh đã phai nhạt vì đường lên thị
trấn quá xa, phương tiện đi lại thì không đảm bảo. Anh ra đồng
từ khi chưa tỏ mặt người để gặt, và trở về nhà sau khi trời đã
nhá nhem với cái lưng đau ê ẩm cùng tất cả những tin tức về các
làng mạc xung quanh mà anh đã bỏ lỡ trong mấy tháng vừa
qua.
Những tin đó cũng cùng một loại như những thứ Dukhi đã
được nghe hết đêm này qua đêm khác trong suốt tuổi thơ của
anh; chỉ có mấy cái tên là khác. Vì tội đi trên phần đường dành
cho đẳng cấp cao, Sita bị ném đá, nhưng chưa tới chết–cơn mưa
đá đã dừng khi dòng máu đầu tiên đổ xuống. Gambhir kém may
mắn hơn; anh ta bị đổ chì nung chảy vào tai vì dám lại gần tầm
nghe của ngôi đền trong khi buổi lễ cầu nguyện đang diễn ra.
Dayaram, đã thỏa thuận sẽ cày ruộng cho một nhà địa chủ
nhưng rồi thất hứa, bị ép phải ăn cứt của lão kia ngay giữa đình
làng. Dhiraj đòi thỏa thuận trước với Thầy cả Ghanshyam công
xá cho việc chặt củi, thay vì nhận được vài thanh củi vào cuối
ngày như anh ta đã hi vọng; lão Thầy cả cáu tiết lên, vu cho
Dhiraj tội đầu độc đàn bò nhà lão, và lôi anh ta ra treo cổ.