thể lẻn vào đủ gần để nghe thấy cả tiếng phấn rít ken két trên
mặt bảng.
Phấn và bảng khiến chúng mê tơi. Chúng những ao ước được
cầm mấy cái que màu trắng trong tay, vạch thành những đường
loằng ngoằng màu trắng như lũ trẻ kia, vẽ hình lều lán, bò, dê,
và hoa. Bao nhiêu thứ tự nhiên hiện ra, cứ như phép thần vậy.
Một buổi sáng, Ishvar và Narayan đang nấp sau bụi cây, thì
bọn học sinh được dẫn ra sân trước để tập một điệu múa cho hội
gặt. Bầu trời trong veo không một gợn mây, và những câu hát
bập bõm vẳng lại từ cánh đồng phía xa xa.
Khúc ca của những con người lao khổ chất chứa nỗi đau đớn
của những tấm lưng ê ẩm, của làn da cháy xèo xèo dưới nắng.
Ishvar và Narayan dỏng tai cố nghe xem đâu là giọng của bố,
song không tách bạch nổi từng thanh âm trong cả dàn đồng ca.
Bọn học trò cầm tay nhau và dàn thành hai vòng tròn đồng
tâm. Chân đi đất, chúng di chuyển theo hai hướng ngược nhau.
Thỉnh thoảng, hai vòng tròn lại đảo hướng chuyển động. Cũng
vì thế mà sinh ra lắm trò vui, bởi thường có vài đứa chuyển
hướng chậm, thế là cả đám ríu lại, rồi xô hết cả vào nhau.
Xem trộm được một lúc, Ishvar và Narayan bỗng sực nhớ ra
là lớp học đang trống trơn. Hai anh em bèn bò quanh sân, ra
đằng sau lưng nhà, và trèo vào qua cửa sổ.
Ở một góc, giày dép của bọn trẻ được xếp thành hàng ngay
ngắn; ở một góc khác, bên cạnh tấm bảng đen, là các hộp cơm
trưa của chúng. Mùi thức ăn hòa lẫn với bụi phấn. Hai anh em
tìm đến chiếc tủ cất bảng con và phấn. Mỗi đứa lấy một bộ, đoạn
ngồi khoanh chân trên sàn, bảng đặt trong lòng, hệt như kiểu
cách chúng vẫn thấy bọn trẻ kia làm. Nhưng hai đứa không
chắc bước tiếp theo là gì. Narayan ngồi chờ anh nó mở màn.