hoảng hốt hỏi. “Làm lụng cả ngày ngoài đồng thế mà mình
không đói sao? Mình… mình định đi đâu đấy?”
“Đến nhà Thầy cả Lalluram. Ông ấy phải có lời trong vụ này
mới xong.”
“Để thư thả đã,” chị van vỉ. “Đừng làm phiền một người danh
giá như thế vào đúng giờ ăn cơm.” Nhưng Dukhi đã rửa sạch bụi
đất của một ngày dài bám trên tay và ra đi.
Thầy cả Lalluram không phải một người Bà la môn bình
thường, ông ta là một người Bà la môn Chit-Pavan sinh ra từ
dòng dõi thanh khiết nhất trong số những dòng dõi thanh
khiết, hậu duệ của những người nắm giữ Tri Thức Linh Mật.
Ông chẳng phải trưởng làng, cũng không phải quan chức chính
phủ nốt, song những anh em cùng vai vế đều nói rằng ông thu
phục được lòng kính ngưỡng không gì lay chuyển nổi của họ
bằng chính tuổi tác, lòng chính trực, và những Tri Thức Linh
Mật khóa kín trong cái sọ to đùng, bóng láng của mình.
Tranh chấp đủ kiểu, dù về đất đai hay súc vật, đều được trình
lên nhờ ông phân xử. Những vụ cãi vã trong gia đình do con
dâu hỗn hào, vợ cứng đầu, rồi chồng lăng nhăng cũng rơi vào
vòng phán quyết của ông nốt. Nhờ lời chứng thực không chê
vào đâu được của ông, ai nấy đều ra về với cảm giác thỏa mãn:
nạn nhân thu được chút ảo tưởng về công lý; kẻ sai trái lại thả
sức đường cũ mà tiến; còn Thầy cả Lalluram, đổi lại những
phiền phức mà ông phải chịu, nhận được đủ thứ quà, nào vải,
nào gạo, nào hoa quả, nào bánh kẹo từ cả hai bên.
Vị Thầy cả uyên bác còn có tiếng là người hay ra tay thắt chặt
tình đoàn kết cộng đồng. Chẳng hạn, trong những cuộc biểu
tình định kì chống người Hồi và bọn giết bò, Thầy cả Lalluram
đều thuyết phục các bạn đồng đạo rằng người Hindu không nên