phải nghĩ chứ!” Hai đứa bé nhất khóc òa lên. Khuỷu tay một đứa
huých đổ cả cốc nước.
“Chắc anh hài lòng lắm nhỉ,” chị Mumtaz vừa lau vũng nước
đổ, vừa khinh khỉnh nói. “Định hò hét để dọa tôi chắc. Để tôi nói
cho anh hay, trò đấy chỉ dọa được mấy đứa trẻ ranh thôi.”
Ashraf bèn ôm hai đứa bé con đang khóc thút thít vào lòng.
“Nào, nào, nín đi. Đây, bố con mình cùng ăn nhé.” Anh lấy thức
ăn từ đĩa của mình bón cho chúng, rồi cũng đút một mẩu vào
miệng mình khi hai đứa chỉ vào đó. Chẳng mấy chốc, nó đã biến
thành một trò chơi mới, thế là bọn trẻ vui hẳn lên.
Bữa tối kết thúc chóng vánh, và Mumtaz bèn mang nồi cùng
muôi ra ngoài vòi nước để rửa. Ashraf bèn ngăn chị lại. “Anh đã
định nói một chuyện trước bữa cơm, trước cả khi em la lối anh.”
“Giờ em nghe đây.”
“Đấy là chuyện về cái này… về cái đang xảy ra khắp nơi.”
“Cái gì cơ?”
“Em lại muốn anh nói toẹt ra ngay trước mặt bọn trẻ ư?” Anh
thì thào bằng giọng gay gắt. “Sao em cứ giả ngu giả đần thế?
Sớm muộn gì tai vạ cũng kéo đến đây. Dù có chuyện gì xảy ra,
hai cộng đồng người sẽ chẳng thể nào hòa hảo được như xưa
nữa.”
Thấy Ishvar và Narayan lắng tai nghe, mặt lộ vẻ hoang mang,
anh vội đế thêm: “Chú không bảo chú cháu mình đâu. Lúc nào
chúng ta cũng như một gia đình, dù mỗi người có đi một ngả đi
nữa.”
“Nhưng Chú Ashraf ơi, chúng ta đâu cần phải xa nhau,”
Narayan nói. “Cháu với anh Ishvar đã định đi đâu.”