“Đúng, chú biết. Nhưng Thím Mumtaz cùng các em và chú,
bọn chú phải đi thôi.”
“Ông hoàng thân-quốc thích dở hơi khốn khổ nhà tôi phát
điên thật rồi,” chị Mumtaz kêu lên. “Lại muốn đi cơ. Với bốn đứa
con lít nhít ư? Anh muốn đi đâu?”
“Đến nơi tất cả những người khác đang đến. Sang bên kia
biên giới. Em tính làm gì? Ngồi đây chờ bọn thù địch và mất trí
kéo đến với gươm giáo, gậy gộc và dầu hỏa chăng?”
Chị Mumtaz một hai kêu rằng chồng đang xử sự như một lão
già ngớ ngẩn. Nhưng anh từ chối không để chị hưởng chút thư
thái bằng việc quay lưng lại với hiểm nguy. Anh thà tranh luận
với chị suốt cả đêm, anh bảo, còn hơn vờ như mọi sự vẫn bình
thường.
“Anh sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ gia đình này.
Sao em có thể mù quáng đến vậy? Anh sẽ túm tóc lôi em ra nhà
ga, nếu cần phải làm thế.” Nghe bố dọa mẹ, bọn trẻ lại òa lên
khóc như ri.
Chị nhấc vạt dupatta lên chùi nước mắt, và tiêu hủy mọi ý
định phản kháng lại kế hoạch của chồng. Trường hợp này
không phải là mù quáng không nhìn thấy hiểm nguy nữa –
người ta có thể đánh hơi thấy mùi nguy hiểm dù cách xa hàng
dặm, chồng chị nói đúng. Chỉ có điều, gỡ bỏ tấm khăn bịt mắt
thật quá khó khăn, chính bởi những gì chị sẽ nhìn thấy.
“Nếu chúng ta đi gấp, sẽ không thể mang nhiều đồ theo
được,” chị nói. “Quần áo, một cái bếp, vài cái nồi. Em sẽ đi gói
ghém đồ đạc luôn.”
“Đúng, đến mai là phải chuẩn bị xong xuôi rồi,” Ashraf nói.
“Những đồ đạc còn lại cứ để lại cửa hiệu rồi khóa kĩ vào. Nếu
Thánh Allah phù hộ, rồi sẽ có ngày ta trở về đây và lấy lại tất cả.”