Khi mấy người hàng xóm đã ra về hết, Narayan bỗng nảy ra
một ý. “Chú này, cái biển hiệu ngoài cửa, Hiệu may Muza ar ấy.
Ta có thể thay bằng một cái biển khác.” “Để làm gì?” Ashraf hỏi.
Narayan ngập ngừng không dám nói. “Một cái biển mới…”
Ashraf lập tức hiểu ra. “Phải rồi, với một cái tên mới. Một cái
tên Hindu. Ý hay lắm.”
“Ta hãy làm ngay đi thôi,” Ishvar nói. “Cháu có thể lấy một
tấm bảng mới từ xưởng gỗ của chú chú. Cháu lấy xe đạp đi được
không?”
“Được chứ. Nhưng cẩn thận đấy, đừng đi qua mấy khu người
Hồi.”
Một tiếng sau, Ishvar trở về tay không mà chưa tới được nơi
cần đến. “Rất nhiều nhà cửa và cửa hiệu bị đốt. Cháu vẫn đi tiếp,
thật chậm, thật chậm. Thế rồi cháu nhìn thấy vài người cầm
rìu. Họ đang xả xác một người đàn ông. Cháu sợ quá, phải quay
về.”
Ashraf bủn rủn ngồi phệt xuống. “Cháu làm thế là khôn lắm.
Chúng ta biết làm sao bây giờ?” Anh quá sợ hãi, không nghĩ nổi
điều gì.
“Cớ sao ta phải kiếm tấm bảng mới?” Narayan nói. “Ta có thể
dùng mặt sau của tấm bảng cũ. Chỉ cần ít sơn là xong.”
Cậu lại chạy sang nhà hàng xóm, và người chủ hiệu kim khí
bèn cho cậu mượn một hộp sơn xanh đã mở sẵn. “Ý hay đấy,”
anh ta nói. “Cháu định viết tên gì?”
“Tiệm may Krishna, cháu nghĩ thế,” Narayan đáp hú họa.
“Màu xanh da trời sẽ rất hợp đấy.” Anh ta chỉ về phía chân
trời, nơi khói cùng một vầng sáng đỏ ối trùm phủ bầu trời. “Chú