Roopa cự nự với Dukhi rằng đã đến lúc lôi hai thằng con về.
“Mình gửi chúng nó lên học việc. Giờ nghề đã thành rồi, chúng
còn sống với người lạ làm gì nữa? Bố mẹ ruột chúng nó nào đã
chết đâu?”
Nhưng không ai có thể đoán được hai chàng
Chamaarchuyển-sang-làm-thợ-may sẽ làm ăn ra sao ở làng.
Quả tình, thời đại mới này tràn trề những hi vọng, nơi nơi rộn
rã những đổi thay, và niềm lạc quan nảy nở cùng nền độc lập
đang tỏa ngời. Thậm chí Ashraf còn vững dạ đến độ dám quay
mặt biển ghi Hiệu may Krishna lại, để trưng lên Hiệu may
Muza ar như cũ.
Tuy nhiên, không ai dám chắc hàng thế kỉ phong hóa tập tục
có thể bị lật đổ dễ dàng đến thế không. Vì vậy tất cả nhất trí
rằng Ishvar sẽ ở lại làm thợ phụ cho Ashraf, còn Narayan về
làng thử vận may. Như thế là đẹp cả đôi đường: Hiệu may
Muza ar cũng chỉ đủ lực nuôi một thợ phụ; Dukhi sẽ có thêm
đồng ra đồng vào từ trên tỉnh gửi về; còn Roopa lại được đón
con trai út trở về.
Chị dỡ cái gói đã treo toòng teng trên trần suốt bảy năm
xuống. Nút dây buộc đã tóp lại đến độ không gỡ ra nổi. Chị cắt
dây, giở lần vải gai bọc ngoài, rồi mang chiếc áo vét cùng cái
choli ra giặt. Đã đến lúc diện chúng, chị bảo Dukhi, để ăn mừng
ngày con trở về.
“Áo hơi rộng,” anh nói.
“Của tôi cũng vậy,” Roopa nói. “Chắc vải bị dão.”
Anh thích cách lý giải của chị. Nghĩ thế dễ chịu hơn là nghiền
ngẫm lại những năm tháng đói khổ đã khiến cả hai vợ chồng
teo tóp.