nghĩ con nên may cho bất kì ai tìm đến con, dù là người Bà la
môn hay Bhunghi.”
“Mày dám làm thế thật ư? Cứ chờ bố mày về, xem ông ấy nói
thế nào! Bà la môn, được; Bhunghi, khỏi!”
Tối hôm đó, Roopa tố hết cho Dukhi biết tư tưởng quá quắt
của con trai họ, thế là anh quay sang Narayan bảo: “Bố nghĩ mẹ
con nói đúng đấy.”
Narayan buông thõng bàn tay đang nắm tay quay và phanh
bánh xe máy may lại. “Tại sao bố lại gửi con đi học nghề may?”
“Cái thằng, hỏi dở hơi nhỉ. Để đời con khá lên, chứ còn sao
nữa?”
“Phải. Bởi vì bọn người đẳng cấp cao đối xử với ta quá tàn tệ.
Và giờ bố mẹ lại cư xử y như chúng. Nếu đó là điều bố mẹ muốn,
thì con sẽ trở lên thị trấn. Con không thể sống tiếp như thế này
được nữa.”
Roopa bàng hoàng trước cái tối hậu thư, và càng kinh hoảng
hơn khi Dukhi quay sang chị mà bảo: “Tôi thấy con nói đúng
đấy.”
“Bố thằng Ishvar, mình phải chọn đi chứ! Đầu tiên mình bảo
tôi đúng, giờ mình lại kêu nó đúng! Sao mình cứ nghiêng bên nọ
ngả bên kia như cái ấm không trôn thế! Cứ cho nó lên tỉnh cơ,
giờ đã thấy hậu quả chưa! Quên tiệt quy củ ở làng rồi! Đến rước
vạ vào thân mất thôi!” Lửa giận bốc ngùn ngụt, chị quày quả rời
lều đi gọi Amba, Pyari, Padma, và Savitri đến nghe những
chuyện rồ dại đang xảy ra trong gia đình bất hạnh của chị.
“Chết! Chết!” Savitri nói. “Khổ thân Roopa, chị ấy giận run cả
người rồi.”