“Con cái thật là – Hai Ram,” Pyari tiếp lời, hai tay giơ lên trời.
“Sao lại dễ quên lòng mẹ thế cơ chứ.”
“Biết làm sao được,” Amba nói. “Ta cho chúng bú sữa từ vú ta
khi chúng còn bé, chứ đâu thể cho chúng ăn điều hay nết tốt.”
“Cứ kiên nhẫn,” Padma nói. “Rồi đâu sẽ vào đấy thôi.”
Được tưới tắm trong niềm cảm thông của bạn, Roopa bình
tâm trở lại. Ý nghĩ đánh mất con lần thứ hai khiến chị suy xét
cẩn trọng hơn. Chị tha thứ cho đề xuất điên rồ của con và đồng
ý ngoảnh mặt làm ngơ với điều kiện: chị sẽ giữ quyền kiểm soát
việc ra vào ngôi lều của chị; một số khách sẽ phải giao dịch bên
ngoài.
Hai năm sau, Narayan đã dành dụm đủ để xây ngôi lều riêng,
nằm ngay gần lều của bố mẹ anh. Roopa khóc lóc, kêu anh bỏ rơi
bố mẹ. “Hết lần này đến lần khác, nó làm mẹ nó đau lòng tưởng
chết,” bà ỉ ôi. “Làm sao tôi chăm nom cho nó rồi coi sóc việc làm
ăn bây giờ? Sao nó cứ phải ra riêng mới được?”
“Kìa mẹ, lều của con cách nhà ta có mười mét thôi mà,”
Narayan nói. “Lúc nào con cũng chào đón mẹ sang gọt bút chì
cho con.”
“Gọt bút chì, nó dám nói thế cơ đấy! Làm như tôi chỉ giúp nó
được mỗi việc ấy!”
Dẫu vậy, rốt cuộc bà cũng quen với ý nghĩ ấy và lấy đó làm
điều tự hào, khi chuyện trò với bạn bè, bà thường gọi ngôi lều
kia là xưởng may của con trai mình. Anh mua một cái bàn làm
việc lớn, một cái giá treo quần áo, và một chiếc máy may đạp
chân có thể may cả đường thẳng lẫn đường dích dắc.
Với món đồ cuối cùng, anh lên thị trấn xin lời khuyên của
Chú Ashraf. Thị trấn nhỏ đã mở mang nhiều từ ngày anh ra đi,