cho đảng phái hắn theo – thường xuyên tìm dịp để bêu riếu
chàng thợ may.
“Có một con bò chết đang đợi mày đấy,” hắn bảo Narayan qua
một thằng đầy tớ. Narayan bèn chuyển lời nhắn sang cho một
người Chamaar khác. Được lấy cái xác, anh này mừng lắm. Lại
có lần, một con dê bỏ mạng dưới con mương nằm trên đất của
chúa đất Dharamsi, hắn bèn cho gọi Narayan đến vớt con vật
lên. Narayan nhã nhặn nhắn lại, rằng anh rất biết ơn ý tốt của
hắn, song anh không còn theo nghề này nữa.
Giờ đây, trong cộng đồng người Chamaar ở làng, anh rất được
trọng vọng với tư cách phát ngôn viên của đẳng cấp, vị thủ lĩnh
không qua bầu cử của họ. Dukhi tán dương thành công của con
một cách vừa phải, kín đáo, ông chỉ dám nuông chiều bản thân
trong vài dịp ít ỏi, khi ông ngồi hút thuốc với bạn bè dưới tán
cây bên bờ sông. Dần dà, con trai ông trở nên khá giả hơn cả
nhiều người đẳng cấp cao ở làng. Narayan bỏ tiền ra đào một cái
giếng mới trong khu đất dành riêng cho tiện dân. Anh thuê
mảnh đất chỗ hai túp lều ngụ, và thay chúng bằng một ngôi
nhà tường gạch mái ngói, một trong vỏn vẹn bảy nhà như thế ở
cả làng. Nó có đủ chỗ cho bố mẹ anh và tiệm may của anh. Và
chẳng bao lâu nữa, Roopa hân hoan nhẩm tính, cả một cô vợ
cùng lũ trẻ con.
Thực ra, bà và Dukhi muốn con trai cả lấy vợ trước. Nhưng
khi họ ngỏ lời tìm cho anh một cô vợ, Ishvar đã đằng thẳng luôn
là anh không có hứng. Đến lúc này, Roopa đã hiểu ra rằng cố ép
hai thằng con mình làm những gì chúng không muốn là
chuyện vô vọng. “Học được lối tỉnh rồi cơ đấy,” bà hằm hè,
“quên tiệt nề nếp cũ của ta rồi,” và bỏ cuộc tại đó, rồi chuyển
hướng chú ý sang Narayan.