Đang lúc tai đau, tay phó thanh tra không ngừng xoi ngón út
vào tai mà ngoáy lấy ngoáy để. Hắn không tài nào tập trung nổi.
“Tên gì? Đánh vần lại đi. Chậm thôi.”
Để làm thân với đại diện của chính quyền, Ashraf bèn mách
cho gã một phương thuốc gia truyền, mặc dù ruột ông đang sôi
lên vì căm giận và chỉ muốn tát lệch mặt hắn để bắt hắn chú ý
vào việc. “Dầu ô liu ấm sẽ giúp anh giảm đau,” ông nói. “Hồi xưa
bà cụ nhà tôi chữa cho tôi bằng cách ấy đấy.”
“Thật hả? Mấy giọt? Hai hay ba?”
Sau đó, với thái độ hết sức miễn cưỡng, cảnh sát tìm về ngôi
nhà để chứng thực những lời khai trong Đơn tố cáo bị hại. Họ
báo lại, rằng không tìm thấy chứng cứ nào liên quan đến hành
vi phóng hỏa hay giết người.
Tay phó thanh tra lập tức nổi xung với Ishvar. “Mày tính lừa
ai đấy? Dám đem chuyện bố láo khai vào Đơn tố cáo à? Lũ tiện
dân bẩn thỉu chúng mày chỉ gây rối là giỏi! Xéo ngay kẻo tao
xích cổ mày lại vì tội lừa đảo người thi hành công vụ bây giờ!”
Choáng váng không nói nên lời, Ishvar nhìn sang Ashraf, ông
già bèn cố mở lời phân bua. Gã phó thanh tra cộc cằn ngắt lời:
“Việc này không liên quan đến cộng đồng của các ông. Lúc dân
Hồi các người sinh chuyện với nhau, chúng tôi có chõ mũi vào
đâu?”
Hai ngày sau đó, Ashraf không buồn mở cửa hiệu, lòng ông
trĩu nặng vì cảm giác bất lực. Cả ông lẫn bà Mumtaz đều không
dám mở miệng an ủi Omprakash hay Ishvar – lời lẽ nào xoa dịu
nổi một mất mát như thế, một sự bất công tàn bạo nhường ấy?
Điều tốt nhất họ có thể làm là khóc cùng hai bác cháu.
Đến ngày thứ ba, Ishvar bảo ông mở cửa hiệu, và họ bắt đầu
may trở lại.