Ashraf không được lạc quan như thế. “Giá cả thấp hơn của họ
sẽ đánh bại chúng ta. Họ sản xuất mỗi lúc hàng trăm cái quần
cái áo trong các nhà máy lớn. Chúng ta cạnh tranh sao lại?”
Chỉ ít lâu sau, chỉ cần mỗi tuần có một ngày bận rộn là hai
người thợ may cùng cậu học việc đã thấy may mắn lắm rồi. “Lạ
quá, phải không,” Ashraf nói. “Một thứ ta chưa bao giờ nhìn
thấy lại hủy hoại cơ nghiệp ta đã gây dựng suốt bốn mươi năm
trời.”
“Nhưng chú chả nhìn thấy cửa hàng đồ may sẵn rồi còn gì.”
“Không, ý ta là những nhà máy trên thành phố kia. Chúng to
đến cỡ nào nhỉ? Ai làm chủ chúng? Họ trả công thế nào? Ta mù
tịt hết, ta chỉ biết rằng chúng sắp biến bọn ta thành ăn mày
thôi. Có lẽ lúc về già, ta sẽ phải đến đấy làm thuê mất.”
“Không đời nào,” Ishvar nói. “Nhưng có lẽ cháu nên đi.”
“Không ai đi đâu hết,” nắm đấm của Ashraf đập sầm xuống
bàn. “Chú cháu ta ở đây có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, mấy câu
ta vừa nói chỉ là đùa thôi. Cháu nghĩ ta lại đành lòng đuổi con
cháu mình đi ư?”
“Kìa chú, chú đừng cáu, cháu biết chú không có ý đó mà.”
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, câu đùa nọ biến thành một
phương án cần suy xét nghiêm túc, bởi khách hàng tiếp tục đổ
xô đến cửa hàng quần áo may sẵn. “Cứ tình hình này, ba người
bọn ta chỉ có nước ngồi đuổi ruồi từ sáng sớm đến tối đêm thôi,”
Ashraf nói. “Ta thì chả ngại gì. Ta đã sống gần hết đời, cũng đã
nếm hết hoa trái, ngọt đắng đủ cả. Nhưng như thế thật bất công
với Om.” Ông thấp giọng. “Có lẽ tốt nhất nên để nó đến một nơi
khác thử vận may.”