lên đá tung mặt một tên tội phạm cầm súng máy, hay áp phích
có hình chàng nở nụ cười kiêu hùng với một nàng thôn nữ quê
mùa, e ấp?
Rốt cuộc họ cũng tìm thấy con phố nhà Nawaz trong cảnh đói
khát và kiệt sức. Hai chú cháu bàn nhau xem có nên mua gì đó
ăn trước khi quay về dưới mái hiên chăng. “Không nên,” Ishvar
quyết định. “Nawaz và bà vợ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu họ
đang đợi chúng ta về ăn cùng. Có lẽ tối qua họ chưa kịp chuẩn bị
thôi.”
Khi họ đi qua cửa hiệu, ông chủ nhà đang ngồi trước máy
may. Họ vẫy tay chào nhưng xem ra ông ta không nhận thấy,
hai chú cháu đành đi vòng ra sau nhà. “Cháu chết đây,”
Omprakash nói, đoạn trải chăn chiếu ra và buông phịch thân
mình xuống.
Nằm ngửa mặt lên trời, họ lắng nghe tiếng bà vợ của Nawaz
làm lụng trong bếp. Vòi nước đang chảy, cốc tách va vào nhau
lanh canh, và có thứ gì đó khua leng keng. Thốt nhiên, họ nghe
thấy tiếng ông ta gọi “Miriam!” Bà kia rời khỏi bếp, tiếng bà lao
xao rất nhỏ, hai bác cháu nghe không rõ. Rồi phía trước nhà lại
nổi lên giọng oang oang, cộc cằn của Nawaz: “Không cần phải
bày vẽ thế, tôi đã bảo cô rồi còn gì.”
“Nhưng chỉ là chút trà thôi mà,” Miriam nói. Giờ cả hai vợ
chồng đã đứng ở trong bếp.
“Đồ khốn nạn! Đừng có cãi tôi! Không là không!” Hai bác cháu
nghe thấy âm thanh sắc đanh của một cái tát, Omprakash sợ
rúm người. Một tiếng hét bật ra từ môi Miriam. “Cứ để chúng nó
ra hàng mà ăn! Cái chính là, cô chỉ cần nuông chiều một tí là
chúng nó sẽ không bao giờ cút đâu!”