thôi,” bà ta nhắc lại.
“Chả ai bảo cháu cả.”
“Cậu là trẻ con chắc mà cái gì cũng phải chờ người ta nói mới
biết?” Bà ta quở, đoạn bước hẳn ra khỏi lán của mình. Giờ cậu đã
nhìn rõ, bà ta không thấp, chỉ là lưng đã còng gập hẳn xuống.
“Cậu không tự dùng trí khôn của mình được à?”
Cậu phân vân không biết cách nào sẽ giúp phô diễn trí khôn
của mình một cách hùng hồn nhất: đốp lại một câu hay bỏ đi.
“Vào đây,” bà ta nói, và bỏ vào trong lán. Cậu liếc vào cửa. Từ
trong bóng tối, bà ta lại cất tiếng gọi: “Cậu định đứng chờ cạnh
vòi đến sáng mai phỏng?”
Bà cụ mở nắp chiếc vò đất nung đáy tròn, rồi múc hai cốc
nước đầy đổ vào cái bình đồng của cậu. “Nhớ đấy, cậu phải đi lấy
nước từ sớm. Dậy muộn thì chỉ có chết khát. Nước chả chờ ai cả,
như mặt trăng mặt trời thôi.”
Khi hai người thợ may chui ra khỏi lán với bàn chải đánh
răng cùng xà phòng để chờ tới lượt mình, một hàng người dài
dằng dặc đã đứng đợi sẵn trước vòi nước. Từ lán bên cạnh, một
người đàn ông bước ra đứng chắn trước mặt họ, miệng cười toe
toét. Từ thắt lưng của anh ta trở lên để trần trùng trục, còn mái
tóc thả dài chấm vai. “Xin chào,” anh ta chào hai bác cháu. “Hai
người không làm thế được đâu.”
“Tại sao?”
“Nếu hai người cứ đứng luôn ở vòi nước, đánh răng, xát xà
phòng rồi kì cọ rồi tắm táp, thế nào cũng có đánh nhau to. Ai
cũng muốn lấy xong phần mình trước khi nước hết mà lị.”
“Nhưng biết làm sao bây giờ?” Ishvar nói. “Chúng tôi chẳng
có cái xô nào cả.”