“Không có xô hử? Chuyện vặt ấy mà.” Anh hàng xóm của họ
biến vào lán, rồi quay ra với một cái xô mạ kền. “Dùng tạm cái
này này.”
“Thế còn cậu?”
“Tôi còn một cái nữa – một xô nước là đủ cho tôi dùng rồi.”
Anh ta túm tóc lại thành một cái đuôi gà và giật mạnh, rồi lại
xõa tung ra. “Nào. Hai người còn cần gì nữa? Một cái lon nhỏ
hay thứ gì đó, để đi vệ sinh nhá?”
“Chúng tôi có bô rồi,” Ishvar nói. “Nhưng phải đi ở đâu?”
“Đi theo tôi, cũng không xa lắm đâu.” Họ hứng nước, cất cái
xô nặng trịch vào lán của mình, rồi đi bộ về phía đường ray tàu
hỏa bên ngoài khu nhà, tay bưng bô. Nước đựng trong bô bị
sánh ra một ít khi họ leo qua những đống bê tông vỡ cùng kính
vụn. Một con lạch thối khẳm màu nâu nâu vàng vàng chảy
ngoằn ngoèo giữa những ụ gạch đất, mang theo đủ thứ chất
thải nổi lềnh bềnh trên dòng chảy lờ đờ của nó.
“Sang bên phải,” anh ta nói. “Bên trái là của đàn bà.” Họ đi
theo, trong bụng mừng rỡ vì có người dẫn đường; giá thử đi
nhầm chỗ thì ngượng chết mất. Giọng phụ nữ léo nhéo, tiếng
mẹ dỗ con rộn lên từ phía bên kia, bay qua cùng mùi hôi thối.
Xa xa bên dưới, đám đàn ông đang ngồi xổm trên đường ray
hoặc bên rãnh, gần đám cây bụi và tầm ma lởm chởm gai, lưng
quay về phía đường tàu hỏa. Cái rãnh là phần nối dài của đường
cống thoát nước bên lề đường, là chỗ kí thác đủ loại rác rưởi từ
dân cư của khu lều lán.
Đi qua mấy người đàn ông đang ngồi chồm hổm, ba người
tìm thấy một chỗ vừa vặn. “Cái đường ray thép này hữu dụng
lắm đấy,” anh hàng xóm nói. “Y như một cái bệ xí. Ngồi lên đấy,