anh, cắm ngập móng vuốt của nó lên da thịt anh, rồi không
chịu buông ra nữa.”
“Bác cháu tôi thì không, chắc luôn. Chúng tôi lên đây kiếm tí
tiền rồi sẽ sớm quay về,” Om nói.
Ishvar không muốn mang kế hoạch của hai bác cháu ra bàn
thêm, sợ nó sẽ bị vẩn đục vì những mối hoài nghi. “Thế cậu làm
nghề gì?” Ông hỏi, lái sang chủ đề khác.
“Cắt tóc. Nhưng tôi bỏ được ít lâu rồi. Tôi phát chán vì khách
khứa lằng nhằng quá. Ngắn quá, dài quá, tóc chưa được bồng,
mai chưa đủ dày, thế này thế nọ. Toàn thằng xấu như cú mà cứ
đòi mình trông phải y như diễn viên điện ảnh cơ. Thế là tôi bảo,
thôi, dẹp. Từ hồi đó đến giờ tôi cũng kinh qua nhiều nghề rồi.
Giờ tôi đang làm nghề thu mua tóc.”
“Hay đấy,” Ishvar ngập ngừng ướm lời. “Cậu phải làm gì, với
cái nghề thu mua tóc này?”
“Thu mua tóc.”
“Vậy mà cũng ra tiền ư?”
“Ô, làm ăn lớn lắm. Ở nước ngoài người ta cần mua nhiều tóc
lắm.”
“Họ mua tóc làm gì?” Om hỏi, vẻ ngờ vực.
“Làm nhiều thứ lắm. Chủ yếu là để đội. Nhiều khi họ sơn tóc
đủ màu – đỏ, vàng, nâu, xanh. Phụ nữ nước ngoài thích đội tóc
người khác lắm. Cả đàn ông cũng vậy, nhất là mấy ông hói. Ở
nước ngoài người ta sợ hói lắm. Dân nước ngoài giàu thật đấy,
thừa hơi để lo sợ toàn chuyện vớ vẩn.”
“Anh lấy tóc ở đâu?” Om hỏi. “Giật trộm trên đầu người ta à?”
Giọng cậu hơi pha chút châm chọc.