Bà Shro cũng biết chắc chắn rằng, cô con gái là người duy
nhất bà có thể trông cậy trong chiến dịch chống lại kế hoạch
nhân đạo ngu ngốc của ông chồng nhằm đi cứu giúp mấy ngôi
làng khỉ ho cò gáy nào đó. Nhưng Dina không chịu hợp tác; cô
không chấp nhận bất cứ thủ đoạn bất chính nào hòng giữ người
cha thân yêu ở nhà.
Thế là bà Shro đành tìm kế khác; bà không viện đến tiền bạc
hay an nguy của bản thân ông hoặc gia đình để thuyết phục
chồng nữa, vì bà biết những thứ đó đều vô dụng cả. Thay vào
đó, bà lôi các bệnh nhân của ông ra, kêu rằng ông bỏ mặc họ,
những con người già cả, yếu đuối, không nơi nương tựa. “Họ
biết phải làm sao, nếu anh đi tới nơi xa xôi như thế? Họ đã tin
tưởng và trông cậy vào anh biết bao nhiêu. Sao anh nỡ nhẫn
tâm làm vậy? Anh không biết đối với họ, anh quan trọng đến
nhường nào đâu.”
“Không, vấn đề không phải ở chỗ đó,” bác sĩ Shro gạt đi. Ông
đã quá quen với những lập luận trúc trắc mà vợ có thể nghĩ ra,
dưới sự xúi giục của tình yêu bà dành cho ông. Ông kiên nhẫn
giải thích rằng trên thành phố còn vô khối các bác sĩ đa khoa
khác có thể xử lý đủ mọi loại bệnh tật trên đời, trong khi ở nơi
ông sắp đến, người dân chẳng có bác sĩ nào cả. Ông trấn an bà
rằng đó chỉ là một chuyến công tác ngắn hạn, rồi ôm hôn bà
thắm thiết hơn hẳn lệ thường ông vẫn làm. “Anh hứa sẽ sớm
quay về,” ông nói. “Còn trước cả khi em kịp quen với sự vắng
mặt của anh kia.”
Nhưng bác sĩ Shro không giữ nổi lời hứa. Chỉ mới đi chiến
dịch được ba tuần, ông đã ra đi, không phải vì bệnh thương hàn
hay dịch tả, mà vì một vết hổ mang cắn, trong điều kiện xa cách
mọi phương thuốc kháng nọc rắn.