biển quảng cáo phim ảnh. Những phần khác của tấm chân
dung còn phải gánh chịu lắm bất hạnh hơn nữa. Đôi mắt như
gợi lên nỗi nhức nhối trước một cơn ngứa dữ dội đang hoành
hành nơi bộ phận đầu não, quay quắt đòi được gãi cho thỏa.
Tham vọng của họa sĩ muốn khắc họa một nụ cười nhân hậu
cũng xôi hỏng bỏng không – sự giao thoa giữa một bên là nụ
cười khinh miệt và bên kia là vẻ nghiêm nghị cay độc của một
nữ sĩ quan huấn luyện đã lẻn vào giữa khuôn miệng. Và vạt tóc
bạc trắng quen thuộc phía trên trán bà, khi đặt trên nền màu
đen, lại rơi chụp xuống da đầu như vết phóng uế có tính toán
của một loài chim cực lớn.
“Om, xem kìa. Trông mặt bà ta nhăn như khỉ ăn ớt ấy, giống
hệt cháu những lúc cáu kỉnh.”
Om góp vui bằng cách nhại lại biểu cảm nọ, và phá ra cười.
Khuôn mặt ngự trên cao tít tiếp tục truyền đi lời răn đe lạnh
câm tới những đoàn tàu đang gầm rú ở một bên, và các xe buýt
cùng xe hơi đang trườn đi trong những đám mây khí thải ở bên
kia, còn hai người thợ may lại lê bước về với khu lều lán.
Anh chàng thu mua tóc thò đầu ra đúng lúc họ đang mở khóa
cửa. “Hai ‘con’ hư quá, sao đến giờ này mới về,” anh ta cằn nhằn.
“Nhưng…”
“Không phải lo, chuyện vặt ấy mà. Thức ăn sẽ được hâm lại
ngay đây. Tôi phải tắt tạm bếp vì rau bị héo quắt hết cả.” Anh ta
biến vào trong lán rồi quay trở lại với cái chảo cùng ba cái đĩa.
“Rau tẩm bột chiên và bánh chapatti. Và cả món masala wada
chấm tương ớt xoài đặc sản của tôi, để mừng ngày làm việc đầu
tiên của hai bác cháu.”
“Cậu vất vả vì hai bác cháu tôi quá,” Ishvar nói.
“Ôi, có gì đâu.”