Giờ thì Ishvar đã hiểu: cuộc va chạm giữa cây kéo và ngón tay
là một phần trong kế hoạch ngu ngốc của cháu ông.
“Vết thương này mà phải đi bác sĩ? Đừng trẻ con thế,” cô nói.
“Chỉ cần nghỉ ngơi một tí, để tay giơ lên, cậu sẽ thấy khỏe lại
thôi.”
Om nhăn mày nhíu mặt lại thành những bức biếm họa về nỗi
đau. “Cứ nghe lời cô mách, nhỡ ngón tay của tôi thối ra rồi rụng
luôn thì sao? Tội nợ đâu đều tại cô hết, chắc luôn.”
Cô ngờ rằng vở diễn này được cậu bày ra hòng trốn phần việc
buổi chiều, song nó vẫn gieo một cái hạt giống bất nhẫn trong
đầu cô. “Tôi chỉ lo là… thôi, cậu muốn thì cứ đi đi,” cô nói cộc
lốc.
Cô có cảm giác, áp lực từ việc phải đối phó với hai bác cháu
nhà này, cung cách làm việc luộm thuộm, đầu óc ngu độn của
họ, đang giết dần giết mòn cô. Sớm muộn gì bà Gupta cũng sẽ
chấm dứt giao kèo này. Vấn đề duy nhất còn lại là, cái gì sẽ biến
đi trước, hai người thợ may hay sức khỏe của cô? Cô mường
tượng ra cảnh hai cái vòi nước rò; một vòi có chữ Tiền, vòi kia,
mang chữ Trí. Và cả hai vòi đang nhất loạt nhỏ nước tong tỏng.
Cảm ơn trời là Maneck Kohlah sẽ đến vào ngày mai. Chí ít
khoản tiền trọ và tiền cơm của cậu cũng là món thu nhập được
đảm bảo một trăm phần trăm.
Om đứng nhìn từ xa, giơ cao ngón tay đứt cho đến khi Dina
đã yên vị bên trong chiếc tắc xi. Thế rồi, được khích lệ bởi mùi vị
của thành công, cậu co cẳng chạy ra chỗ giấu xe.
Đến khi cậu mở khóa xe xong và dắt nó ra khỏi gầm cầu
thang, chiếc tắc xi đã biến mất. Cậu phóng ra ngõ và – kia rồi, nó
đang đứng chờ trước đèn đỏ.