Đến lúc lên năm, Maneck đã hãnh diện được phụ việc cho bố
mẹ trong cửa hàng. Cậu đứng sau quầy bán hàng, chỏm tóc đen
mấp mé mặt quầy, chờ nghe yêu cầu của khách. “Con biết ở đâu
rồi! Để con đi lấy cho!” Cậu hét tướng, và lật đật chạy đi lấy món
hàng trong ánh mắt âu yếm của chị Kohlah và khách khứa.
Sau khi bắt đầu đi học vào năm tiếp đó, cậu vẫn tiếp tục giúp
bố mẹ vào buổi tối. Cậu tự nghĩ ra chế độ đãi ngộ riêng cho các
khách hàng quen, cậu lấy sẵn các thức mua hàng ngày của họ –
ba quả trứng, một ổ bánh mì, một gói bơ nhỏ, bánh quy – đặt
trước trên quầy, sẵn sàng đợi họ đến lấy vào giờ đã định.
“Ôi con trai tôi,” anh Kohlah thốt lên, giọng đầy tự hào. “Mới
sáu tuổi đầu mà đã lắm sáng kiến, có óc tổ chức thế cơ.” Anh
nhấm nháp niềm sung sướng được nhìn Maneck chào hỏi
khách và chuyện trò với họ, kể về đàn khỉ hung hãn nó đã trông
thấy khi ngồi trên xe buýt đến trường sáng hôm đó, hay tham
gia vào cuộc bàn luận về một thác nước bị cạn. Được sinh ra và
lớn lên ở đây, bản tính dễ gần của dân tỉnh lẻ hình thành một
cách tự nhiên ở Maneck, và bố cậu lấy làm hoan hỉ lắm khi thấy
con hòa đồng với mọi người dễ dàng đến thế.
Nhiều lúc, khi chiều buông, giữa cảnh ồn ã náo nhiệt của cửa
hàng, được vây quanh bởi vợ con và khách hàng, những người
cũng là bạn bè và hàng xóm của mình, anh Kohlah hầu như
quên hết những mất mát mình đã phải chịu. Ừ, lúc ấy anh thầm
nghĩ, phải, cuộc sống vẫn tốt kia mà.
Nhà Kohlah bán báo, mấy loại trà, đường, bánh mì và bơ; cả
nến và rau củ muối, đèn pin và bóng đèn, bánh quy và chăn
mền, chổi và sô-cô-la, khăn quàng và ô; rồi lại có cả đồ chơi, gậy
chống, xà phòng, dây, và nhiều thứ khác.