Mối quan hệ giữa hai bố con không cải thiện chút nào khi
Maneck về chơi nhà nhân đợt nghỉ hai tuần trước kì học cuối
cùng. Những trận cãi cọ thường gặp nhất của hai người dính
đến việc quản lý cửa hàng. Maneck nghĩ ra rất nhiều ý tưởng về
buôn bán và quảng cáo, tất cả đều bị bố cậu gạt đi không thương
tiếc.
“Ít ra bố cũng phải để con nói hết đã chứ,” Maneck nói.
“Sao bố lại cố chấp thế? Sao không làm thử một lần xem sao?”
“Đây không phải là một thú vui vớ vẩn mà con thích thử
thích nghịch thế nào cũng được,” anh Kohlah nạt lại, mặt
nhuốm vẻ thê lương. “Đấy là cơm ăn nước uống của nhà ta.”
“Hai bố con lại cãi nhau đấy ư?” Chị Kohlah kêu lên. “Chỉ
nghe hai người lời qua tiếng lại cũng làm em phát điên rồi.”
“Mình không dạy được con gì hết,” anh Kohlah nói, khuôn
mặt càng buồn thảm hơn nữa. “Chẳng lẽ mình không làm gì nổi
những trò ba hoa xích tốc không ngừng nghỉ của nó ư? Tôi nói
gì nó cũng cãi. Nó tưởng nó mới nghĩ ra công thức mới cho
thành công – nó cho đây là một thử nghiệm khoa học kia đấy.”
Anh không chịu để Maneck đặt mua những chủng loại xà
phòng hay bánh quy mới được các nơi khác ưa chuộng. Các đề
nghị cải thiện hệ thống chiếu sáng bên trong cửa hàng tối tăm,
sơn lại tường, thay đổi kệ giá và tủ kính để phần trưng bày nom
bắt mắt hơn đều được xem như những hành động báng bổ.
Maneck không tài nào hợp nhất người đàn ông thận trọng
đến nực cười ấy với hình ảnh đã được bồi đắp trong đầu cậu từ
những câu chuyện của mẹ, và các bạn bè của bố: về con người
can đảm đã đu dây xuống hẻm núi ngập nước mưa để cứu một
chú chó; người đã coi nỗi đau mất một con mắt vì mảnh kính vỡ
chẳng khác nào một vết muỗi đốt; và người đã từng hạ đo ván