Có sẵn vũ khí phòng bị bao giờ chả yên tâm hơn.” “Chính thế
đấy,” anh Kohlah nói.
“Nếu thằng bé có thể trở thành một bác sĩ hay luật sư thì hay
biết mấy,” chị Kohlah nghĩ ngay đến những nghề danh giá.
“Hoặc kĩ sư.”
“Kế toán viên có chứng chỉ chính quy cũng được trọng vọng
lắm,” bà Grewal nói.
Nhờ có đám đàn ông vốn dân nhà binh, cuộc bàn luận mới
được hướng trở về những địa hạt thiết thực. “Ta phải xét tình
hình thực tế. Chuyện chọn ngành nào còn tùy thuộc vào điểm
số của Maneck.”
“Nói thế không có nghĩa là nó không giỏi giang.”
“Không hề. Sắc như lưỡi lê, giống hệt bố.”
“Mà tay chân nó khéo léo lắm,” anh Kohlah gật gù, vui vẻ
nhận lấy lời khen ngợi.
Mọi người đều nhất trí, nên cho Maneck theo nghề gì đó dính
dáng đến kĩ thuật, đấy là điều chắc chắn. Tốt nhất là một ngành
sẽ phát triển cùng sự phồn vinh của đất nước. Câu trả lời, trong
bối cảnh một đất nước nơi đa số dân cư sống trong miền khí
hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, thật hiển nhiên và đồng nhất:
“Điều hòa nhiệt độ và điện lạnh.” Và trường đại học uy tín nhất
về ngành này, họ khám phá ra, lại nằm ở thành phố quê hương
bên bờ biển của chị Kohlah, nơi xưa kia chị đã rời bỏ để đi lấy
anh Kohlah.
Học kì cuối cùng kết thúc, Maneck trở về nhà, phát hiện ra
những gì đã được an bài cho mình và phản đối dữ dội. Sự phản
bội lần thứ hai không chỉ khơi lên nỗi đau âm ỉ như lần đầu. Nó
bùng nổ trong tim cậu.