Tất cả những thay đổi này – chúng xảy ra quá nhanh với bố. Đợi
một năm nữa, thế nào bố cũng bình tâm trở lại.”
Chị bắt tay vào xếp các món đồ cậu sẽ mang theo vào các
hòm. Sợ mình sẽ quên món gì đó, chị thường xuyên tham khảo
danh sách gợi ý trong cẩm nang của trường. Chị hết đóng lại mở
va li, lấy đồ ra rồi bỏ vào, nhẩm đếm và sắp lại. Người phụ nữ đã
từng quản lý hàng hóa của cả Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp nhẹ
như không nay bấn cả lên chỉ vì hành lý của con trai.
Chị quay sang hỏi ý kiến chồng hết lần này đến lần khác.
“Farokh, anh bảo em nên để bao nhiêu khăn bông? Anh có nghĩ
Maneck sẽ cần một ít quần đẹp không, mấy cái màu xám bằng
vải ga-ba-đin ấy? Anh Farokh, bao nhiêu kem đánh răng với xà
phòng thì đủ? Em nên đóng gói những loại thuốc nào đây?”
Đáp lại chị luôn là câu: “Đừng làm phiền anh vì những
chuyện vớ vẩn đấy nữa. Em tự quyết đi.” Thậm chí anh kiên
quyết không chịu lai vãng lại gần đống quần áo và vật dụng cá
nhân đang cao dần, như muốn chối bỏ sự tồn tại của nó. Nếu
bất đắc dĩ phải đi qua chiếc va li đang mở toang đặt trên bàn kê
ngay ở hành lang tầng hai, anh thường nhìn lảng đi chỗ khác.
Chị Kohlah hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa trong cung cách cư
xử của chồng chị. Chị đã tưởng có thể giúp anh bằng cách lôi
kéo anh vào việc cùng lên kế hoạch và sắp xếp hành lý, rằng nhờ
đó anh có thêm sức mạnh để vượt qua những ngày tháng đang
gây ra biết bao nỗi đau cho cả ba người.
Sau những câu trả lời cộc lốc của anh, chị đành thôi không
động đến anh nữa. Nói gì thì nói, trong hai vợ chồng, chị vẫn là
người mạnh mẽ hơn khi phải đương đầu với những chuyện như
thế này, mặc dù cả hai đều chưa bao giờ phải trải qua một cuộc
chia ly dài đến mức này với Maneck. Khoảng cách là một thứ