nguy hiểm, chị biết chứ. Cứ nhìn chính chị mà xem – giờ chị
không tài nào trở về chung sống với gia đình mình ở dưới thành
phố được nữa. Và chỉ vì đi học trường nội trú thôi mà Maneck đã
bỏ hẳn thói quen ôm bố mẹ buổi sáng, thứ mà nó chưa từng
quên, chưa bao giờ; kể cả những hôm bị ốm, nó vẫn sẽ âu yếm
bước xuống, vòng tay quanh người mẹ, rồi trở lại giường. Nó sẽ
còn bỏ cái gì nữa sau đợt xa cách này? Ngay như bây giờ, nó đã
thành một đứa tách biệt hơn, khó nói chuyện và chia sẻ hơn, lúc
nào cũng mặt ủ mày chau. Rồi nó sẽ thay đổi đến thế nào nữa?
Cái thành phố kia sẽ làm gì con chị? Từ nay chị sẽ mất nó mãi
mãi ư?
Dằn vặt và lo lắng, nên ngay khi đang dở tay phục vụ khách,
chị cũng vô tình bỏ cửa hàng chạy lên xem những túi cùng hộp
của Maneck. Linh cảm trên cửa hàng có chuyện không bình
thường, anh Kohlah tắt máy chế nước giải khát giữa chừng và
cắm đầu chạy lên cầu thang để xin lỗi các khách khứa đang
đứng chờ.
Sáng hôm ấy, anh cố nén giận. Thế nhưng, khi sự việc tái diễn
lần thứ hai, anh sửng cồ: “Aban! Xin hỏi mình trong phòng ngủ
có việc gì khẩn cấp mà mình phải chạy lên thế?”
Anh vốn không giỏi nói mỉa mai, cũng rất hiếm dùng giọng
điệu đó, nên nó vừa khiến anh sửng sốt, vừa làm chị đau đớn.
Song chị không muốn bị cuốn vào một cuộc cãi vã, bèn nhẹ
nhàng đáp: “Em nhớ ra một chuyện rất quan trọng.
Nên phải đi kiểm tra ngay.”
“Cơn cuồng của em sẽ làm cả nhà phát điên lên mất. Xin em
hãy hiểu cho – nếu em lỡ quên gì đó, ta có thể gửi bưu phẩm sau
cũng được.”