dám làm phiền đám dân nghèo đúng giờ lấy nước. Các vị khách
bèn co cụm lại để hội ý.
Rồi tay cầm đầu lại lên tiếng. “Mỗi người sẽ được trả năm
rupi. À, có cả trà và bánh trái miễn phí nữa. Mời các anh chị em
xếp hàng bên ngoài lúc bảy rưỡi. Xe sẽ khởi hành lúc tám giờ.”
“Đi mà nhét năm rupi vào đít mày ấy!”
“Châm lửa đốt chỗ tiền ấy đi!”
Song những tiếng mạ lị chả mấy đã tạnh ráo, vì lời đề nghị
mới rõ ràng đã gây được hứng thú. Đám nhân viên của đảng bèn
tỏa đi khắp khu ổ chuột để loan báo tin tức.
Một gã nhặt ve chai bèn hỏi liệu vợ anh ta cùng sáu đứa con
đi cùng có được không. “Được,” tay phụ trách tổ chức nói,
“nhưng mỗi người bọn họ sẽ không được nhận năm rupi đâu.
Chỉ anh thôi.” Ông bố nọ đang dào dạt hi vọng bèn tiu nghỉu bỏ
đi, nhưng lại bị dụ dỗ bởi lời hứa trà và bánh miễn phí sẽ được
nới rộng cho cả gia đình.
“Xem ra sẽ vui đấy,” Om nói. “Ta đi thôi.”
“Cháu có điên không? Phí mất một ngày công may ư?”
“Chả đáng đâu,” Rajaram đồng tình với Ishvar. “Bọn này toàn
nói nhăng nói cuội ấy mà.”
“Làm sao anh biết? Anh đã đi dự buổi mít tinh nào thế này
chưa?”
“Rồi, buổi nào chả như nhau. Nếu cậu đang vô công rồi nghề,
tôi sẽ khuyên cậu đi, kiếm đỡ năm rupi. Lần đầu tiên xem mấy
trò hề của chính phủ cũng vui. Nhưng bỏ hẳn một ngày may
hoặc thu mua tóc ấy à? Không.”