giúp anh được đấy.” Ông chỉ xuống chỗ đầu gối cũ sờn và tay áo
xơ tướp.
“Thôi được. Nhưng tôi báo trước, buổi đêm ở đây nhiều khi
ồn ào lắm. Nếu có khách đến mua thuốc, các anh sẽ phải dọn ra.
Lúc đấy đừng kêu tôi phá giấc ngủ. Không được đòi tiền lại vì
mất giấc đâu đấy.” Và nếu gã dược sĩ trực đêm có hỏi, họ sẽ phải
khai là hai rupi, vì tên khốn sẽ đòi chấm mút phần nào.
“Chịu luôn,” hai người thợ may đồng ý với mọi điều kiện. Sau
một điếu thuốc nữa, họ lôi kim chỉ trong rương ra và bắt tay vào
việc. Ông bảo vệ mặc độc chiếc quần sịp trong khi họ sửa bộ
đồng phục.
“Số dách,” ông ta nói, đoạn xỏ quần vào.
Lời khen làm Ishvar nở mày nở mặt, ông nói hai bác cháu sẵn
lòng sửa những món đồ khác cho ông bảo vệ và vợ con ông ta.
“Chúng tôi làm được tất. Salwar-kameez, ghaghracholi, quần áo
trẻ con.”
Ông bảo vệ lắc đầu buồn bã. “Anh tốt lắm. Nhưng vợ con tôi
đang ở quê. Tôi lên đây có một mình, để tìm việc.”
Sau đó, khi hai người thợ may đã ngủ, ông ta ngồi trên ghế
đẩu nhìn họ. Khi Omprakash giật mình trong giấc ngủ, nó
khiến ông nhớ đến lũ con: nhưng đêm đặc biệt khi cả nhà vẫn
còn quây quần bên nhau, khi ông được ở cạnh con lúc chúng
đang mơ màng.
Phố xá thức giấc từ tinh mơ, đánh động hai người thợ may
trước cả khi bình minh lên. Thật ra, phố xá chẳng bao giờ ngủ
hẳn, ông bảo vệ giải thích, chỉ chợp mắt tí đỉnh vào tầm giữa
hai giờ sáng và năm giờ sáng – sau khi những cuộc bài bạc và
chè chén thâu đêm đã kết thúc, và trước khi báo, bánh mì, và