lên hoặc cho đĩa vào máy hát, đặt cô lên lòng và nói: “Nó giúp ta
quên hết mọi phiền muộn trên đời, phải không con gái?” và
Dina nghiêm trang gật đầu.
Đến thư viện, cô chọn đĩa nhạc hú họa, cố gắng ghi nhớ tên
của những đĩa mình thích để sau này có thể bật lại. Công việc
này khá hóc búa, vì các bản giao hưởng và công-xéc-tô và xô-
nát chỉ được phân biệt bằng các con số, đứng trước là những
chữ cái như Op. và K. và BWV
, mà cô lại chẳng hiểu chúng có
nghĩa gì. Nếu may mắn, cô còn tìm được những đĩa mang cái
tên vẫn còn âm vang sâu sắc trong kí ức của mình, và khi giai
điệu quen thuộc chảy tràn trong tâm trí, quá khứ lại được phục
nguyên trong khoảnh khắc, và cô thấy như toàn thân bỗng
nhức nhối bởi cảm giác trọn vẹn đến đê mê, tựa như một phần
chân tay bị cụt được mọc lại như mới.
Cô vừa khao khát, lại vừa e sợ những trải nghiệm âm nhạc
mãnh liệt ấy. Hạnh phúc viên mãn nơi phòng nhạc luôn bị thế
chỗ bởi cơn cáu giận mang đủ mọi cung bậc khi cô trở về cuộc
sống với Nusswan và Ruby. Những trận cãi vã quyết liệt nhất
thường nổ ra vào đúng ngày cô đến phòng nghe nhạc.
Tạp chí và báo giấy thì đỡ phức tạp hơn nhiều. Nhờ đọc nhật
báo, cô phát hiện ra trong thành phố có một số tổ chức văn hóa
thường xuyên tài trợ cho các buổi hòa nhạc và độc tấu. Rất
nhiều buổi biểu diễn trong số đó, thường là của các nghệ sĩ
không chuyên trong nước hoặc các nghệ sĩ nước ngoài ít tên
tuổi, cho phép vào cửa tự do. Cô bèn dùng vé xe buýt để tới xem
những buổi hòa nhạc này, và tìm thấy ở đó thái độ hoan nghênh
tựa như khi cô tới thư viện. Các nghệ sĩ đều tỏ vẻ mừng rỡ
không giấu giếm trước sự hiện diện của cô trong những buổi tối
thưa vắng khán giả.