Cô thường nấn ná bên ngoài rìa đám đông trong sảnh chờ,
cảm thấy như mình là một kẻ mạo danh. Dường như những
người khác đều rất am hiểu về âm nhạc, về những nghệ sĩ của
buổi trình diễn tối nay; cứ xem cái cách họ cầm tờ chương trình
và chỉ vào từng đầu mục trên đó thì thấy, thật tinh tế làm sao.
Cô ước sao cửa chóng mở ra, để ánh đèn mờ ảo bên trong giúp cô
che giấu những yếu kém của mình.
Âm nhạc nơi thính phòng không có sức mạnh khiến cô rung
động tâm can như trong những giờ ngồi một mình giữa thư
viện. Ở đây, những màn hài kịch sống chiếm thời lượng ngang
ngửa với âm nhạc. Và sau vài buổi hòa tấu, cô dần nhận ra
những khuôn mặt quen trong số khán giả.
Có một ông cụ thường ngủ gật khi bản nhạc đầu tiên vang
lên được đúng bốn phút, lần nào cũng như lần nào; những
người đến muộn thường bỏ qua hàng ghế nơi cụ ngồi, vì ngại va
vào chân cụ. Đến phút thứ bảy, cặp kính của cụ tụt dần xuống
sống mũi. Và đến phút thứ mười một (nếu bản nhạc dài tới mức
này và chưa có tiếng vỗ tay nào để đánh thức cụ dậy), hàm răng
giả bắt đầu trồi ra. Nhìn ông cụ, Dina lại nhớ đến ông nội.
Hai chị em một bà nọ, tầm ngũ tuần, vóc người cao và gầy,
cằm nhọn, luôn ngồi ở hàng đầu và thường vỗ tay không đúng
lúc, làm gián đoạn giấc ngủ của ông cụ kia. Bản thân Dina
không hiểu lắm về các bản xô-nát cũng như kết cấu của chúng,
song cô cũng biết rằng phần biểu diễn chưa kết thúc ngay khi
nhạc tạm ngưng. Cô thường để ý bắt chước một người để râu dê,
đeo kính mắt tròn có gọng mảnh và đội mũ bê rê, nom có vẻ là
người trong nghề, nhờ vậy cô biết nên vỗ tay khi nào.
Lại có một người đàn ông trung niên vui tính, luôn mặc đúng
một bộ âu phục màu nâu trong tất cả các buổi hòa nhạc, gặp ai
cũng tay bắt mặt mừng. Ông thường lượn như đèn cù khắp