“Chả nhớ nữa. Từ xưa đã thế. Nhưng tôi cũng chả phàn nàn
gì, lão vẫn đủ ăn, lại có hẳn một chỗ riêng trên vỉa hè. Ông trùm
lo liệu hết mọi việc.” Lão kiểm tra miếng băng quấn hai bàn tay
và ghé miệng cởi chúng ra, và vì thế phải ngừng nói mất mấy
phút. Đó là một quá trình lâu dài, vất vả, đòi hỏi rất nhiều cử
động cổ và hàm.
Bàn tay lộ ra, lão gãi ngứa cho chúng bằng cách chà vào bọc
chăn chiếu của hai người thợ. Bề mặt nham nhám dễ chịu của
vải gai giúp cơn ngứa dịu bớt. Sau đó lão quấn miếng băng lại
như cũ, lại một công cuộc gian nan của cổ và hàm, nhưng theo
chiều ngược lại. Om nghiêng đầu ngoẹo cổ đầy cảm thông – lên,
rồi xuống, quay vòng, cẩn thận, phải rồi, lại quay vòng lần nữa –
rồi tự dưng, nhận thấy mình hơi ngớ ngẩn, cậu vội dừng lại.
“Miếng băng này để bảo vệ da tôi đấy. Tôi phải chống tay
xuống để đẩy bệ đi. Không có băng che, tay tôi sẽ tứa máu vì xát
xuống đất mất.”
Sự thật được hé lộ một cách tỉnh bơ khiến Om cảm thấy hơi
khó chịu. Nhưng lão ăn mày vẫn nói bô bô, cố xoa dịu nỗi sợ hãi
và lo lắng của riêng mình. “Chả phải lúc nào tôi cũng có bệ lăn
mà dùng đâu. Hồi tôi còn bé, cái đận bé quá không tự đi ăn xin
một mình được ấy, người ta phải tha tôi đi khắp nơi. Ông trùm
từng cho thuê tôi theo ngày. Ông ấy là ông cụ đẻ ra cái ông đang
chăm nom cho tôi bây giờ ấy. Người ta chuộng tôi ghê lắm. Ông
trùm bảo tôi kiếm cho ông ấy nhiều tiền hơn cả.”
Nỗi hoảng hốt trong giọng nói của ông lão lắng dần theo
dòng hồi tưởng về những ngày hạnh phúc. Ông kể mình luôn
được những người thuê chăm chút và cho ăn cho uống rất cẩn
thận, vì chỉ cần họ lơ là, Ông trùm sẽ tẩn họ nên thân và không
bao giờ làm ăn với họ nữa. Cũng may, nhờ khổ người nhỏ gọn,
nên đến tận mười hai tuổi, nom lão vẫn bé tí như đứa trẻ con