“Dì không tuyệt vọng,” cô cao giọng. “Đấy chỉ là một khó
khăn nữa trong đời người, không hơn.” Nhưng cô vẫn quyết
định chờ đến sáng hôm sau, đồng ý để cậu qua chỗ hai người
thợ trước khi đi học. Cô chẳng còn bụng dạ nào để tiếp tục may
tấm chăn ghép; những vuông vải và mảnh vụn chất đống trên
ghế sô pha, giấu kín hoa văn màu sắc của mình.
Maneck chạy từ hiệu thuốc về, mặt mày hoảng hốt. Đến gần
Hotel đồ chay Vishram, cậu hơi chậm bước lại để nhòm vào,
những mong có thể Ishvar và Om đang ngồi uống trà sáng bên
trong. Trống trơn. Cậu về tới căn hộ, vừa thở hào hển, vừa nhắc
lại những gì ông bảo vệ kể cho Dina nghe.
“Kinh khủng quá! Ông ấy nghĩ họ bị nhầm là ăn mày, bị lôi
lên xe cảnh sát. Có trời mới biết bây giờ họ đang ở đâu!”
“Hừm, dì hiểu rồi,” cô nói, trong bụng tự cân đong xem câu
chuyện có bao nhiêu phần sự thật và giá trị. “Thế án tù dành
cho họ kéo dài bao lâu? Một tuần, hay hai tuần?” Nếu hai gã
khốn đó đang thử việc ở một chỗ khác, muốn trì hoãn kéo dài
thời gian, thì cách này đúng là số một.
“Cháu không biết.” Đang lúc hoang mang, cậu không hề nhận
thấy giọng mỉa mai trong câu hỏi của cô. “Có phải mỗi mình họ
đâu! Tất cả mọi người trên phố, cả ăn xin ăn mày lẫn dân ngủ vạ
vỉa hè đều bị cảnh sát bắt đi hết.”
“Đừng có làm dì buồn cười, chẳng có luật nào cho phép họ
làm thế cả.”
“Đó là chính sách mới – kế hoạch cải tạo mĩ quan thành phố
hay gì đó, trong Tình trạng khẩn cấp.”
“Tình trạng khẩn cấp nào? Dì phát ốm và phát chán cụm từ
ngu xuẩn đấy rồi.” Vẫn chưa hết nghi ngờ, cô hít một hơi thật
sâu và quyết định nói thẳng. “Maneck, nhìn dì đi. Nhìn thẳng